Mô hình trồng sen lấy hoa và hạt của hộ ông Đinh Tiến Hanh tại xã An Phú là điển hình phát triển kinh tế của huyện Mỹ Đức. Với diện tích 10ha, gia đình ông Hanh tập trung trồng các giống sen mới; cùng với bán hoa, củ, hạt, gia đình ông Hanh còn làm các loại trà từ hoa và lá sen. Mỗi vụ trồng sen, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi 3-4 triệu đồng/sào. Ngoài trồng sen, gia đình ông Hanh thả các loại cá (trôi, cá mè, trắm ốc...), tạo nguồn thu ổn định quanh năm. Mô hình kinh tế này đã tạo việc làm thời vụ cho 3-5 nhân công với thu nhập 250.000 đồng/người/ngày.
Một trang trại tổng hợp nuôi cá kết hợp trồng cây ăn quả tại xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức |
Không chỉ có hộ anh Hanh, những năm gần đây trên địa bàn huyện Mỹ Đức đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại đặc thù như: Mô hình trồng rau sắng đặc sản kết hợp trồng cây ăn quả (nhãn, vải, na, mơ...) tại xã Hương Sơn; các trang trại chăn nuôi lợn gia công tại xã An Mỹ, nuôi gà siêu trứng ở xã Phúc Lâm, nuôi lợn bản địa ở xã An Phú... đều cho thu nhập cao. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn, đến nay, toàn huyện có 150 trang trại, gia trại, trong đó, 78 trang trại đạt tiêu chí mới của Bộ NN&PTNT với gần 810ha. Các trang trại, gia trại trên địa bàn huyện đạt doanh thu 300-900 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, mô hình trang trại này cũng đang gặp không ít khó khăn như: Tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi ngày càng diễn biến phức tạp; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất ngày càng tăng cao; chất lượng sản phẩm của trang trại chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; giá sản phẩm đầu ra vẫn bấp bênh, không ổn định. Hầu hết các trang trại đều thiếu vốn đầu tư nên khó mở rộng sản xuất.
Mô hình chăn nuôi lợn nái khép kín cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức |
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các mô hình kinh tế trang trại phát triển bền vững, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết, giai đoạn 2020-2025, Mỹ Đức xác định 1 trong 2 lĩnh vực phát triển trọng yếu là nông nghiệp. Huyện khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư gắn với sơ chế, tiêu thụ, cung cấp dịch vụ chế biến sau thu hoạch; chuyển đổi mạnh các mô hình kinh tế nông nghiệp có tính cạnh tranh cao, gắn sản phẩm nông nghiệp với dịch vụ du lịch; xây dựng, phát triển thương hiệu, mở rộng các hình thức liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản. Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ trang trại vay vốn, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Mặt khác, huyện phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho chủ các trang trại.