Mỹ Đức ứng dụng công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ Xuân 2016, huyện Mỹ Đức đưa công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên vào sản xuất lúa. Bước đầu, công nghệ mới này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập.

Giảm chi phí, tăng năng suất

Vụ Xuân năm 2016, được sự giúp đỡ của Hội các ngành sinh học Hà Nội, huyện Mỹ Đức đã xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cấy lúa hàng biên với quy mô 0,95ha, trên 4 giống TBR 225, Nếp 97, RVT và Khang dân 18 tại xã Lê Thanh. Là một trong số 5 hộ tham gia mô hình, anh Đỗ Ngọc Sang, ở thôn Lê Xá, xã Hợp Thanh phấn khởi cho biết: "Với phương pháp cấy lúa hàng biên, một ngày 2 lao động của gia đình tôi có thể cấy được tới 5 sào ruộng. Mừng nhất là áp dụng phương pháp này, lúa ít sâu bệnh nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật".
Tham quan mô hình cấy lúa hiệu ứng đường biên tại xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Ánh Ngọc
Tham quan mô hình cấy lúa hiệu ứng đường biên tại xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Ánh Ngọc
Kết quả thực tiễn cho thấy, phương pháp cấy này đã khẳng định tính ưu việt vượt trội so với phương thức cấy lúa truyền thống. Do cấy thưa nên lúa cứng cây, đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh, nhờ đó nông dân giảm được 50% chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động. Bên cạnh đó, số hạt và hạt chắc trên bông, số bông trên khóm đều tăng gấp 2 lần nên năng suất lúa tăng 20% so với lúa cấy truyền thống. Hạch toán kinh tế cho thấy, phương pháp cấy lúa hàng biên giúp nông dân tăng thêm thu nhập khoảng 450.000 đồng/sào.

Việc áp dụng công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên rất đơn giản, cấy 2 hàng sông hẹp cách nhau 15cm xong lại cấy một hàng sông rộng 40cm. Tốt nhất là hàng cấy theo hướng Đông Tây. Với lúa lai cấy 15 - 16 khóm/m2, lúa thuần cấy 18 - 20 khóm/m2, áp dụng cho cả 2 vụ trong năm. Bản chất của công nghệ này là biến các cây lúa ven bờ thành các cây lúa trong đám ruộng. Từ đó, phát huy tối đa hiệu ứng của hàng biên là tận dụng ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá của lúa; kích thích lúa đẻ nhánh sớm, khỏe, hạn chế được phát sinh của sâu bệnh hại. 

Ông Phạm Văn Hai - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Lê Thanh cho hay: "Ban đầu, khi triển khai mô hình, nhiều nông dân bày tỏ e ngại vì nếu cấy với mật độ thưa, năng suất lúa sẽ thấp. Phải đến khi thu hoạch, chứng kiến năng suất lúa đạt cao, nông dân mới thực sự tin tưởng"

Tiếp tục nhân rộng

Với những ưu điểm và hiệu quả mang lại rõ rệt cho nông dân, vụ Mùa 2016, huyện Mỹ Đức tiếp tục nhân rộng mô hình áp dụng công nghệ cấy lúa hàng biên trên quy mô toàn huyện. Theo đó, Phòng Kinh tế huyện đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp phối hợp với các khuyến nông viên cơ sở tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng công nghệ này trên các giống lúa lai, giống chất lượng cao. Đến thời điểm này, Mỹ Đức là địa phương đầu tiên của Hà Nội mạnh dạn đưa công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên vào sản xuất lúa. Thành công của mô hình đã mở ra hướng sản xuất nông nghiệp mới cho Mỹ Đức, đó là sản xuất lúa, gạo sạch. 

Những năm gần đây, Mỹ Đức luôn đi đầu TP với công nghệ thâm canh lúa cải tiến - SRI. Công nghệ này khá phức tạp, đòi hỏi nông dân cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, trong đó điều tiết nguồn nước đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, áp dụng công nghệ thâm canh lúa cải tiến - SRI, năng suất lúa chỉ tăng khoảng 10%, thấp hơn so với công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên. Ông Đặng Văn Triều - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức khẳng định, công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên là giải pháp quan trọng để huyện đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên là đề tài nghiên cứu khoa học của Hội các ngành sinh học Hà Nội. Đề tài này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng sáng chế độc quyền vào tháng 9/2015; được Ban Tổ chức Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) tặng giải Nhì vào tháng 4/2016.