Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ, EU đồng loạt cảnh báo Ukraine vì lựa chọn "hiểm"

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cuộc tấn công vào Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân.

Đó là khẳng định của Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh, Josep Borrell khi bình luận về một loạt cuộc tấn công do máy bay không người lái Kiev triển khai thực hiện vào nhà máy điện hạt nhân ở thành phố Energodar, thuộc vùng Zaporozhye [một trong bốn vùng lãnh thổ của Ukraine do Moscow kiểm soát sau cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga năm 2022]. 

Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Ảnh: Reuters
Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Ảnh: Reuters

Hôm 7/4, một số máy bay không người lái mang bom của Ukraine đã tấn công khu phức hợp, bao gồm căng tin và khu vực chở hàng. Theo cơ quan truyền thông của nhà máy, một máy bay không người lái đã bị bắn hạ trên mái vòm của Lò phản ứng số 6.

Hôm 9/4, một máy bay không người lái khác đã tấn công trung tâm huấn luyện của nhà máy, nơi đặt thiết bị mô phỏng phòng phản ứng quy mô thực tế duy nhất trên thế giới.

“Cuộc tấn công liều lĩnh bằng máy bay không người lái nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân nguy hiểm. Những cuộc tấn công như vậy cần phải dừng lại,” nhà ngoại giao hàng đầu của EU viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) hôm 9/4.

Ông cũng khẳng định thêm rằng “Nga nên rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye”.

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu bắt đầu nằm dưới quyền kiểm soát của Moscow vào năm 2022, thời kỳ đầu xung đột với Ukraine. Cơ quan năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga tiếp quản việc điều hành nhà máy điện hạt nhân sau khi vùng Zaporozhye được sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý vào mùa Thu năm 2022.

Kiev nhiều lần khẳng định Moscow cất giữ vũ khí hạng nặng trong khuôn viên nhà máy điện. Nga đã cáo buộc Ukraine pháo kích vào cơ sở này và có nguy cơ gây ra sự cố hạt nhân lớn.

Nhận xét của ông Borrell lặp lại quan điểm của người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Rafael Grossi.

Bình luận về các cuộc tấn công hồi đầu tuần này, ông Rafael Grossi khẳng định những diễn biến này cho thấy “sự leo thang lớn về các mối nguy hiểm an toàn và an ninh hạt nhân mà nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye đang phải đối mặt”, đồng thời khẳng định những cuộc tấn công "liều lĩnh" này sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra một tai nạn hạt nhân quy mô rộng. 

IAEA có nhân viên hoạt động tại đây. Tổ chức cũng khẳng định đây là lần đầu tiên cơ sở này trở thành mục tiêu trực tiếp kể từ tháng 11/2022 và cảnh báo rằng những cuộc tấn công như vậy sẽ gây nguy hiểm cho an ninh hạt nhân.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 8/4 cảnh báo, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào cơ sở Zaporozhye là một “hành động khiêu khích nguy hiểm” có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực nghiêm trọng.

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 9/4 nhận định, Ukraine nên theo đuổi các mục tiêu quân sự thay vì tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga - động thái có thể khiến đẩy tăng giá dầu toàn cầu.

Kiev đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga trong hai tháng qua, nhắm vào các nhà máy lọc dầu và cơ sở lưu trữ ở nhiều khu vực.

Khẳng định trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện trong phiên điều trần về ngân sách quân sự hàng năm, ông Austin cho rằng, những cuộc tấn công đó có thể gây ra tác động dây chuyền đến tình hình năng lượng toàn cầu. 

"Ukraine sẽ có lợi hơn trong việc truy đuổi các mục tiêu chiến thuật và tác chiến có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc chiến hiện tại.”

Giá dầu toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong 6 tháng, nhưng Washington khẳng định điều này là do xung đột ở Trung Đông và các biện pháp trừng phạt cũng như "giới hạn giá" đối với xuất khẩu dầu của Nga đã có hiệu lực. Trong khi đó, Moscow đã báo cáo xuất khẩu dầu cao hơn vào năm 2023 so với trước cuộc xung đột Ukraine.