Mỹ hoãn thử tên lửa đạn đạo nhằm giảm căng thẳng hạt nhân với Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lầu Năm Góc thông báo sẽ hoãn vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III nhằm giảm căng thẳng, sau khi Nga tuyên bố đặt lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao.

Theo RT và Reuters, thông tin trên được người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby thông báo trong ngày 2/3. Vụ phóng thử trước đó được dự định tiến hành vào cuối tuần này.

Mỹ hoãn thử tên lửa đạn đạo nhằm giảm căng thẳng hạt nhân với Nga - Ảnh 1Ảnh tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III. Ảnh: RT

Ông Kirby cho biết quyết định hoãn cuộc phóng thử tên lửa lần này nhằm  chứng tỏ Mỹ không có ý định tham gia vào bất kỳ hành động nào có thể bị hiểu nhầm hoặc hiểu sai: "Quyết định trên nhằm chứng minh Mỹ là một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm. Để chứng tỏ Mỹ không có ý định thực hiện bất cứ hành động nào có thể gây hiểu nhầm, Bộ Quốc phòng đã ra chỉ thị hoãn cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III dự định tiến hành vào cuối tuần này," ông John Kirby nói.

Tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Minuteman III là một phần then chốt trong kho vũ khí chiến lược của quân đội Mỹ. Nó có thể bay xa hơn 9.660km với tốc độ 24.000 km/h.

Cuối tuần trước, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đặt các lực lượng hạt nhân nước này vào tình trạng báo động đã làm gia tăng lo ngại rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể dẫn tới leo thang hạt nhân, khi một số quan chức phương Tây coi đó là mối đe dọa ngầm với phương Tây.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa xác nhận bất kỳ hành động cụ thể nào từ lực lượng hạt nhân Nga sau thông báo của Tổng thống Putin, gồm khả năng di chuyển đầu đạn ra khỏi kho chứa hoặc tái bố trí lực lượng hạt nhân.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 2/3 cảnh báo chiến tranh thế giới lần thứ ba sẽ là một cuộc xung đột hạt nhân. Tuyên bố này càng khiến sự bất an gia tăng.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga hôm 28/2 thông báo, các lực lượng tên lửa hạt nhân của Nga và Hạm đội Phương Bắc, Hạm đội Thái Bình Dương đã được đặt vào nhiệm vụ chiến đấu, theo lệnh một ngày trước đó của Tổng thống Putin.

Bom và tên lửa hạt nhân tầm xa không được sử dụng trong thời chiến kể từ Thế chiến thứ hai. Phần lớn là do Liên Xô bắt đầu thử vũ khí hạt nhân vào năm 1949 và việc hai siêu cường sở hữu vũ khí hạt nhân đã khiến lợi ích của các bên không còn nếu sử dụng hạt nhân nhằm vào nhau. Cả NATO và Nga đều có các loại bom hạt nhân tầm ngắn hơn, nhưng những loại bom này không phải là ưu tiên của Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần