Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ, Iran có đội trời chung?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tránh nguy cơ đối đầu tàn khốc, giới quan sát kỳ vọng một thỏa thuận ngầm có thể ngăn chặn leo thang căng thẳng hai bên.

Dù chưa được công bố, thỏa thuận giữa Washington và Tehran bao gồm một số điều khoản nhằm hạn chế hành động của cả hai bên.

Theo đó, Iran buộc phải kiềm chế việc làm giàu uranium vượt quá 60%, ngừng các cuộc tấn công của lực lượng đồng minh ở Iraq và Syria vào quân đội và nhà thầu Mỹ, giảm cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga và mở rộng hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Đổi lại, Washington sẽ không thắt chặt biện pháp trừng phạt đối với Tehran, ngừng bắt giữ tàu chở dầu và không thúc đẩy các biện pháp trừng phạt của IAEA hoặc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Bên cạnh đó, Tehran sẽ phải trả tự do cho một số công dân Mỹ bị giam oan ở đây, đổi lại Washington sẽ giải phóng số tiền của Iran tại nhiều ngân hàng nước ngoài cũng như trả tự do cho 4 công dân nước này đang bị cầm tù trên đất Mỹ. Mặc dù không được trực tiếp trả lại số tiền này, nhưng Tehran có thể dùng để chi cho thực phẩm và thuốc men.

Trong vài tuần qua, các quan chức Iran và Mỹ đã âm thầm gặp nhau ở New York và Oman. Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước, Ngoại trưởng Oman Sayyid Badr Albusaidi đã không che giấu sự lạc quan về triển vọng của một thỏa thuận chung từ thái độ nghiêm túc của cả hai.

Ông cho biết: “Tôi có thể nói rằng họ đang xích lại thật gần. Ông Biden cũng đã miễn trừng phạt đối với các khoản ngoại tệ bị phong tỏa, giúp Iran trả khoản nợ điện và khí đốt trị giá 2,76 tỷ USD.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là việc người đứng đầu Iran Ayatollah Ali Khamenei đang dần cởi mở hơn với phương Tây với điều kiện cơ sở hạ tầng hạt nhân của Tehran được đảm bảo nguyên vẹn.

Lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei nói chuyện với các chỉ huy lực lượng không quân Iran tại Tehran, ngày 08/2/2007. Nguồn: Foreign Policy
Lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei nói chuyện với các chỉ huy lực lượng không quân Iran tại Tehran, ngày 08/2/2007. Nguồn: Foreign Policy

Tương lai hứa hẹn 

Theo nhiều cách, thỏa thuận không chính thức này lại vô tình mang lại sức sống mới cho thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA (Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung năm 2015) vốn chìm vào dĩ vãng do mâu thuẫn hai bên. Nó có thể khiến cho cả hai tiếp tục tuân thủ, miễn không ảnh hưởng đến lợi ích của nhau.

Không những vậy, động thái mới còn là nước đi hiệu quả nhằm tránh những xung đột trong tương  lai do chương trình mở rộng hạt nhân của Iran cũng như việc Mỹ tịch thu tàu chở dầu của Iran.

Tổng thống Mỹ Joe Biden rất muốn tránh bất kỳ cuộc khủng hoảng nào với Iran trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Đổi lại, Iran cần các nguồn viện trợ kinh tế cũng như “khoảng trống” hòa bình với Mỹ để có thể tập trung cho bình thường hóa với Ả Rập Saudi. Hơn nữa, Tehran muốn duy trì thỏa thuận cho đến ít nhất là năm 2025, khi một số hạn chế chính đối với chương trình hạt nhân của Iran hết hiệu lực.

Thỏa thuận ngầm này đã khắc phục được những tồn tại trước đó mà cả Washington và Tehran khó giải quyết được: Ông Biden đang gặp khó khăn trong giải quyết xung đột với Iran do sự ngăn cản của Quốc hội Mỹ - xuất phát từ các cuộc đàn áp đẫm máu của Iran đối với biểu tình trong nước suốt 10 tháng qua. Còn với Tehran, bất kỳ thỏa thuận chính thức nào nhỏ hơn JCPOA sẽ gây bất lợi cho họ vì sẽ làm giảm giá trị đòn bẩy hạt nhân của quốc gia này.

Hơn nữa, Mỹ đang rất cần bất kỳ một thỏa thuận nào – chính thức hay không chính thức – với Iran trước việc quốc gia này không ngừng mở rộng chương trình hạt nhân cũng như tăng cường viện trợ vũ khí cho Nga.

Thật vậy, nếu JCPOA được khôi phục, Iran rất có thể sẽ không hỗ trợ Nga ở Ukraine, vì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích mà nước này được nhận từ phương Tây.

Dù nhiều người vẫn nghi ngờ hiệu quả của thỏa thuận này, nó có thể tạo cơ hội để đàm phán một thỏa thuận lâu dài.