Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ-Iran: vẫn nhức nhối ngay cả khi dùng quân bài cuối

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp việc trao đổi tù nhân diễn ra suôn sẻ mới đây, Mỹ vẫn tiếp tục răn đe Iran bằng một số lệnh trừng phạt.

Dù trao đổi tù nhân là phương cách hữu hiệu để xoa dịu căng thẳng giữa Washington và Tehran, nhưng quân bài này không phải lúc nào cũng có tác dụng dài lâu. 

Quan hệ Mỹ-Iran vẫn chưa có dấu hiệu hòa hoãn khi Washington liên tục xử phạt cá nhân, doanh nghiệp Nga và Trung Quốc vì cung cấp linh kiện máy bay không người lái cho Tehran.

Máy bay không người lái Shahed-136 của Iran. Ảnh: Asia Times
Máy bay không người lái Shahed-136 của Iran. Ảnh: Asia Times

Hôm 19/8, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Công ty TNHH Công nghệ Jiasibo Thâm Quyến sau khi bị cáo buộc có liên quan đến cung cấp các thiết bị máy bay không người lái cho Công ty Công nghiệp Sản xuất Máy bay Iran (HESA).

OFAC cũng xử phạt công dân Trung Quốc tên Dong Wenbo vì dính líu đến bán đĩa phanh máy bay cho HESA.

Những biện pháp trừng phạt này được đưa ra sau khi 5 tù nhân Mỹ tại Iran được trả về nước vào hôm 18/9, đồng thời Tehran cũng nhận lại khoản tiền 6 tỷ USD bị đóng băng tại Hàn Quốc. Năm người Iran bị giam ở nhà tù Mỹ cũng được thả.

OFAC chỉ trích Iran vì đã cung cấp máy bay không người lái cho Nga trong cuộc chiến Ukraine. Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Brian Nelson cho biết: “Iran có liên quan trực tiếp đến thương vong tại Ukraine vì đã cung cấp máy bay không người lái cho Nga trong cuộc chiến với Kiev”.

Các chuyên gia cho rằng việc Washington đồng ý trao đổi tù nhân với Iran trong khi áp các lệnh trừng phạt đối với nước này cho thấy mâu thuẫn trong chính sách của Mỹ.

Họ cho rằng chính quyền Biden muốn giành được sự ủng hộ của cử tri bằng cách thúc đẩy thỏa thuận trao đổi tù nhân nhưng vẫn không muốn tạo ra bước đột phá trong quan hệ Mỹ-Iran.

Sun Degang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, Đại học Fudan, cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn nâng cao uy tín của mình bằng cách giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Iran trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Ông nhận định: “Liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, rất khó để Mỹ và Iran thỏa hiệp trong tương lai gần. Washington không muốn thảo luận về Thỏa thuận Hạt nhân Iran khi chính phủ nước này đang có nhiều chính trị gia bảo thủ”.

Quan hệ Iran-Trung Quốc phát triển

Trong khi đó, Iran đang có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Ngày 14/2, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.

Ông Tập cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Iran, thúc đẩy thương mại, nông nghiệp, công nghiệp và cơ sở hạ tầng, đồng thời nhập khẩu thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao từ Iran.

Tổng thống Raisi hy vọng Iran vẫn sẽ hợp tác với Trung Quốc ở mọi cấp độ để giải quyết nhiều vấn đề quốc tế và khu vực.

Mới đây, một chuyên gia Trung Quốc cho biết cho biết Bắc Kinh luôn là một trong những đối tác đáng tin cậy nhất của Iran, quốc gia đang phải đối mặt với các vấn đề kinh tế do lệnh trừng phạt của Mỹ trong vài thập kỷ qua.