Mỹ lại lỡ hẹn với TPP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình nghị sự đầy tham vọng của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm thúc đẩy tự do thương mại với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Lục địa già một lần nữa vấp phải trở ngại tại Hạ viện sau cuộc bỏ phiếu hôm thứ Sáu tuần trước.

Sau 19 tháng theo đuổi, Tổng thống Obama vẫn chưa thể giành được quyền đàm phán nhanh.
Sau 19 tháng theo đuổi, Tổng thống Obama vẫn chưa thể giành được quyền đàm phán nhanh.
Được thông qua lần đầu tiên vào năm 1974, TPA - còn gọi là “quyền đàm phán nhanh” cho phép Tổng thống Mỹ được toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các hiệp định thương mại quốc tế. Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không được điều chỉnh, sửa đổi các điều khoản này. Vì thế, TPA được coi là điều kiện tiên quyết để ký kết và triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương về thương mại và đầu tư (TTIP).

Thất bại của vận động hành lang

Cuộc chiến giành quyền TPA suốt 19 tháng qua của ông Obama vẫn chưa kết thúc dù đã vượt qua cửa ải tại Hạ viện với 219 phiếu thuận và 211 phiếu chống. Việc dự luật Trợ giúp cho người lao động bị thất nghiệp do các thỏa thuận thương mại gây ra (TAA) không được thông qua đã cản trở nỗ lực kết thúc đàm phán TPP của Tổng thống Mỹ, bởi Hạ viện đã thống nhất TPA và TAA phải được thông qua cùng lúc mới có hiệu lực.

Câu chuyện Hạ viện từ chối cấp quyền TPA một lần nữa bộc lộ sự căng thẳng trong cuộc đối đầu giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa, cũng như mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ đảng Dân chủ. Bất chấp việc Tổng thống Obama dốc toàn lực nhằm đạt được TPA, các nghị sĩ đảng Dân chủ vẫn bỏ lá phiếu chống lại dự luật này vì cho rằng, TPP chỉ mang lại lợi ích cho người giàu, trong khi người lao động phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm. Nhằm thuyết phục các nghị sĩ theo đường lối dân túy của đảng Dân chủ, đích thân Tổng thống Obama và các quan chức chủ chốt đã tổ chức nhiều cuộc gặp kín, nhiều chuyến đi “thuyết khách” về lợi ích của TPP. Ngay trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu hôm 12/6, ông Obama đã tới đồi Capitol để thuyết phục các nghị sĩ đảng Dân chủ bỏ phiếu thông qua TPA. Tuy nhiên, nỗ lực cuối cùng của Tổng thống Mỹ vẫn không thể thắng cuộc vận động hành lang từ các nghiệp đoàn liên quan đến các ngành công nghiệp chủ chốt như ô tô, giày da, thép, dược phẩm.

Vẫn còn cơ hội

Dù đã thất bại trong giành quyền TPA nhưng cuộc bỏ phiếu cuối tuần trước không phải là dấu chấm hết cho TPP hay TTIP bởi những lợi ích quá lớn về kinh tế, chính trị, ngoại giao mà nó mang lại cho nước Mỹ. Trong các lần đăng đàn để thuyết phục Quốc hội thông qua TPA, Tổng thống Obama không ngần ngại thừa nhận, bài toán việc làm cho người lao động tuy khó giải nhưng xu thế tất yếu của tự do thương mại và lợi ích từ TPP buộc nước Mỹ phải tham gia cuộc chơi này. Theo tính toán, nếu thông qua và triển khai TPP, TTIP, DN Mỹ sẽ thuận lợi tiếp cận thị trường lên tới 1,3 tỷ người, chiếm tới 60% GDP toàn cầu, giúp thúc đẩy xuất khẩu và khẳng định vai trò dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thương mại.

Ngoài ra, việc thông qua TPP cho phép Mỹ tiếp tục là người viết nên các quy tắc của kinh tế toàn cầu, nhất là trong một khu vực tự do thương mại không có sự tham gia của Trung Quốc – thế lực đang cạnh tranh gay gắt ảnh hưởng với Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương. Nói một cách đơn giản, TPP không đơn thuần chỉ là một hiệp định thương mại còn là một cuộc đua Mỹ - Trung về tầm ảnh hưởng chính trị, kinh tế trong khu vực chiến lược...

Trước những lợi ích quá lớn từ TPP, các nghị sĩ đảng Dân chủ chắc chắn không thể không hỗ trợ cho tiến trình hoàn tất đàm phán hiệp định này. Bởi thế, không ngạc nhiên khi trong 2 ngày cuối tuần, các nghị sĩ của đảng Dân chủ tiếp tục bàn thảo, điều chỉnh nhằm đạt được nhiều yêu sách nhất khi TAA được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu tại Hạ viện vào tuần tới. Hiện, chưa rõ kết quả bỏ phiếu TAA sẽ ra sao nhưng chắc chắn Tổng thống Obama phải triển khai chiến dịch vận động hành lang mạnh mẽ hơn để giành được quyền TPA. Nếu không, tiến trình đàm phán TPP vốn đã chậm mấy năm so với lịch trình sẽ tiếp tục bị đình trệ, thậm chí là kết thúc ngay trên nước Mỹ sau hơn 5 năm khởi động. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần