Hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2024 (NDAA) với tổng giá trị lên đến 886,3 tỷ USD, nhiều hơn 3% so với con số 858 tỷ USD năm ngoái và trở thành khoản chi dành cho quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay.
Dự luật này tập trung chủ yếu vào việc tăng cường năng lực cho quân đội Mỹ và chỉ đáp ứng được một phần viện trợ mà Ukraine yêu cầu.
Ông Biden cho biết đã ký dự luật này bất chấp một số ý kiến không đồng tình về nội dung của đạo luật. Đáng chú ý, ông chủ Nhà Trắng bày tỏ ý kiến phản đối những điều khoản cấm sử dụng tiền của chính phủ Mỹ cho việc chuyển những người bị giam giữ tại Vịnh Guantanamo đến các nhà tù ở Mỹ và các quốc gia khác, đồng thời chỉ trích về yêu cầu Nhà Trắng và Lầu Năm Góc phải giao các báo cáo và kế hoạch để Quốc Hội giám sát.
Dự luật này cũng gia hạn lại Mục 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo nước ngoài cho đến tháng 4/2022. Đạo luật trên cho phép các cơ quan tình báo Mỹ thực hiên nghe lén thông tin liên lạc nước ngoài mà không cần sự chấp thuận từ tòa án, tuy nhiên, FBI thừa nhận đã lợi dụng nó để giám sát trái phép công dân Mỹ hơn 280.000 lần trong năm 2020 và 2021. Một số đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa phản đối việc gia hạn mục này, trong đó Thượng nghị sĩ Ron Wyden thuộc Đang Dân chủ đã phàn nàn nội dung tranh cãi được đưa vào NDAA mà không cần phải thông qua bất kỳ cuộc bỏ phiếu hay tranh luận nào.
NDAA cũng bao gồm khoản viện trợ quân sự trị giá 300 triệu USD cho Ukraine trong năm tới, chủ yếu sử dụng để mua vũ khí và đạn dược cho Kiev từ các nhà thầu tư nhân. Kế hoạch này còn được gọi là Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, một trong những cơ chế mà ông Biden áp dụng để viện trợ cho quân đội Ukraine.
Tuy nhiên, con số 300 triệu USD chỉ là phần nhỏ so với cam kết viện trợ quân sự lên đến 61 tỷ USD của ông Biden dành cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky theo dự luật chi tiêu riêng biệt trị giá 105 tỷ USD. Dự luật này vẫn chưa được Quốc hội thông qua, với việc đảng Cộng hòa quyết liệt phản đối trừ khi ông Biden có những thay đổi đáng kể đối với luật nhập cư cũng như tăng cường các biện pháp an ninh dọc biên giới Mỹ-Mexico.
Mỹ đã chi tiêu cho quân sự nhiều gấp đôi so với 20 năm trước. Cựu Tổng thống Barack Obama là nhà lãnh đạo Mỹ duy nhất cắt giảm chi tiêu quân sự trong những năm gần đây.