Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chia rẽ trong tiêm chủng ngừa Covid-19, Mỹ "thấm" hậu quả

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 99,5% các ca tử vong gần đây ở Mỹ do Covid-19 là ở những người không được tiêm chủng - một dữ liệu đã thu hút nhiều sự chú ý trong những tuần gần đây. Cùng với đó, khái niệm mới về "hai nước Mỹ" (two Americas) ra đời, mô tả thực trạng chia rẽ gây hậu quả chính tại quốc gia vốn tự hào về thành công của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19.

Ảnh minh họa: Getty Images 
Phân đôi trong tiêm chủng…

Theo dữ liệu tính đến giữa tháng 7/2021 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khoảng 57,4% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19 và khoảng 49,5% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Mặc dù có lượng vaccine dư thừa nhưng trong những tuần gần đây, tốc độ tiêm chủng của Mỹ đã chậm lại đáng kể. Vào đầu tháng 4/2021, các nhân viên y tế đã tiêm khoảng 4 triệu liều vaccine Covid-19 mới mỗi ngày, nhưng số liệu này hiện chỉ khoảng 450.000 liều/ngày.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, các chuyên gia y tế cộng đồng của Mỹ đã lên tiếng lo ngại về hậu quả của việc một phần lớn dân số nước này, vì bất cứ lý do gì, mà không tiêm phòng. Và số liệu những tuần qua thự sự cho thấy nước Mỹ đang tách thành hai phần, như cách Tiến sĩ Anthony Fauci - Cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng - gọi là “hai nước Mỹ” (two Americas): Một nửa được tiêm chủng và phần còn lại chưa được chủng ngừa.

“Hai nước Mỹ” này thực sự đang phân tách về mặt địa lý bởi các “đường biên” chính trị. Giống như khẩu trang, vaccine Covid-19 cũng trở thành một vấn đề bị chính trị hóa cao tại nhiều vùng của đất nước, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng chênh lệch lớn. Bên cạnh đó, sự do dự và phong trào “anti vaccine” tại Mỹ cũng được thúc đẩy bởi thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội.

Vậy “nước Mỹ” nào đang an toàn hơn trước Covid-19? Hãy so sánh 2 tiểu bang có sự khác biệt lớn về tỷ lệ tiêm chủng trong bối cảnh biến thể Delta được cho đã làm suy giảm tương đối khả năng miễn dịch của những loại vaccine Covid-19 hiệu quả nhất đang được tiêm tại Mỹ, để phần nào có câu trả lời:

Ở bang Missouri, chỉ 40% người dân đã được tiêm chủng. Tại một số quận của Missouri, chỉ có 14,7% cư dân được tiêm chủng. Tiểu bang này đã chứng kiến sự gia tăng các trường hợp Covid-19 kể từ giữa tháng 7, với khoảng 2.000 - 3.000 trường hợp mới mỗi ngày. Theo phản ánh của CNN, tốc độ lây lan tại Missouri đang ngày càng tăng, và một số bệnh viện hiện đã hết máy thở cũng như giường chăm sóc đặc biệt (ICU). Ngược lại là tại Massachusetts, nơi 63% người dân được tiêm chủng đầy đủ. Mặc dù tiểu bang này cũng đang chứng kiến sự gia tăng các ca bệnh, nhưng tổng số ca nhiễm mới chỉ vào khoảng 200 - 300 ca/ngày.

Số bệnh nhân nặng phải nhập viện vì Covid-19 ở Massachussetts cũng đã giảm 95% kể từ tháng 1/2021. Trong khi đó, tính đến ngày 20/7, Missouri có 1.357 bệnh nhân nhập viện vì Covid-19, gần gấp 13 lần so với 106 bệnh nhân ở Massachusetts. Điều này diễn ra ngay cả khi so với Massachusetts, Missouri có dân số ít hơn nhưng phân tán hơn.

Theo một phân tích của CNN từ dữ liệu của các địa phương cho thấy, tỷ lệ nhập viện trung bình do Covid-19 ở các bang có chưa đến một nửa dân số được tiêm chủng đầy đủ đang cao hơn gần 3 lần ở các bang đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn một nửa. Cũng theo đó, tính riêng trong tuần qua, chênh lệch về tỷ lệ ca nhiễm và tử vong do Covid-19 trung bình giữa 2 nhóm bang này là hơn gấp đôi.
Một bệnh nhân Covid-19 được hỗ trợ thở ở Missouri. Ảnh: AP 

… nhưng hậu quả là cùng gánh chịu

Hôm 16/7, Tiến sĩ Rochelle Walensky - Giám đốc CDC cho biết, 99,5% các ca tử vong gần đây ở Mỹ do Covid-19 là ở những người không được tiêm chủng. "Những cái chết đó có thể ngăn ngừa được bằng một liều tiêm đơn giản và an toàn", bà Walensky nói. Cũng theo bà Walensky, 97% số ca nhập viện Covid-19 hiện tại ở Mỹ là những người chưa được chủng ngừa.

Giới chức Mỹ đang hy vọng tỷ lệ tiêm chủng sẽ tăng lên, dù với tốc độ chậm, do các khu vực nông thôn xa xôi đang dần được tiếp cận dễ dàng hơn với vaccine, trong khi nhiều người còn do dự sẽ được thuyết phục thành công để đi tiêm. Một dữ liệu khảo sát trong khoảng từ cuối tháng 6 - đầu tháng 7 cho thấy, hơn 10% người Mỹ từ 18 tuổi trở lên được hỏi đã nói rằng họ “có thể không” hoặc “chắc chắn sẽ không” tiêm vaccine Covid-19, và 5% khác nói rằng họ “không chắc chắn”.

Nhưng ngay cả khi người dân ở các khu vực chưa được chủng ngừa ngay lập tức "đổi ý", ước tính việc tiêm phòng cũng phải mất khoảng 1 tháng để tạo ra khả năng miễn dịch rõ ràng.
Mỹ được cho sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng phát dịch bệnh trong các cộng đồng có tỷ lệ hấp thụ vaccine thấp, không tránh khỏi việc gián đoạn đời sống và hoạt động kinh doanh, cũng như các chính sách được ban hành. Dịch bệnh càng kéo dài, tất cả đều mệt mỏi và mất kiên nhẫn.

Sau gần 3 tháng kể từ khi tuyên bố "ăn mừng" cho thành công của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden tuần này thừa nhận đại dịch vẫn đang hoành hành vì bộ phận chưa được chủng ngừa. "Nếu bạn vẫn chưa được tiêm chủng, hóa ra bạn không thông minh như tôi tưởng" - một phát biểu ý nhị của ông Biden.

Cũng trong tuần này, CDC Mỹ đã thay đổi khuyến cáo về việc "bỏ khẩu trang" được ban hành hồi tháng 5, cho biết những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn nên đeo khẩu trang trong nhà, đặc biệt là ở những khu vực có khả nâng lây nhiễm virus "đáng kể" hoặc "cao" để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta nguy hiểm.

Ước tính hơn 80% dân số Mỹ sống trong cùng một quận sẽ chịu ảnh hưởng bởi khuyến cáo mới của CDC. Theo ghi nhận của CNN, một bộ phận người Mỹ đã tự giác tiêm chủng đầy đủ và vui mừng vì cơ hội sớm được trở lại cuộc sống bình thường thì nay đang tỏ ra bức xúc với những người hàng xóm từ chối vaccine.

"Quyền tự do cá nhân thực sự đang bị phóng đại ở đất nước này, đến mức khó chịu khi đặt mọi người trong tình trạng nguy hiểm" - John McCullough, một công dân đã được tiêm phòng, sống tại bang Virginia, nói với CNN - "việc nhiều người nghĩ rằng họ có quyền này quyền kia chỉ đang khiến người khác gặp rủi ro, thật là tức giận".