70 năm giải phóng Thủ đô

Mỹ - Trung căng thẳng thương mại, các nhà sản xuất châu Á tính "kế hoạch B"

Cẩm Anh (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà sản xuất châu Á đã hành động để tránh ảnh hưởng từ chuỗi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mỹ và Trung Quốc hôm 24/9 (giờ Việt Nam) đã chính thức áp dụng mức thuế bổ sung lên hàng hóa của nhau. Theo đó, Mỹ áp thêm thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm, và Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng Mỹ. Đồng thời, đàm phán thương mại giữa hai nước cũng đã bị hủy bỏ.

 Ảnh minh họa.

Trước bối cảnh này, các nhà sản xuất châu Á, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, máy móc đã có hướng đi thay thế. Cụ thể, một số các nhà sản xuất tại châu Á từ linh kiện máy tính tới công cụ máy móc đang dần chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang các nơi khác trong khu vực, nhằm tránh ảnh hưởng từ mức thuế mới của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc.

Các tập đoàn lớn như SK Hynix (Hàn Quốc) hay Mitsubishi Electric, Toshiba Machine và Komatsu của Nhật Bản cũng bắt đầu “nhổ rễ” cơ sở sản xuất tại Trung Quốc kể từ tháng 7, thời điểm Washington lần đầu áp thuế lên Bắc Kinh.

Làn sóng này ngày càng gia tăng. Theo đó, tập đoàn Điện máy LG (Hàn Quốc) cũng đang có kế hoạch phòng bị cho viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp diễn hoặc trở nên trầm trọng hơn.

Mỹ đã áp mức thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng 7, và vòng thứ 2 với khung thuế 10% lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa khác từ Trung Quốc, dự kiến sẽ tăng lên 25% kể từ cuối năm 2018. Tổng thống Mỹ cũng đe dọa vòng áp thuế thứ 3 lên 267 tỷ USD hàng hóa từ Bắc Kinh. Nếu thành hiện thực, 100% hàng hóa từ Trung Quốc sẽ chịu thuế nhập khẩu khi vào Mỹ.

Viễn cảnh này đe dọa vị thế của Trung Quốc là một trung tâm sản xuất giá rẻ trên thế giới, cùng với thị trường tăng trưởng nhanh chóng đã khiến nhiều tập đoàn tới đây xây dựng nhà máy và chuỗi cung ứng trong nhiều thập kỷ qua.

Tập đoàn sản xuất chip bộ nhớ máy tính SK Hynix (Hàn Quốc) đang dự tính chuyển một số cơ sở sản xuất từ Trung Quốc trở về nước.  Tương tự, tập đoàn Micron Technology của Mỹ cũng đang chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác. Trong một diễn biến liên quan, công ty máy Toshiba cũng cho biết kế hoạch chuyển chuỗi sản xuất máy đúc nhựa từ Trung Quốc về Nhật Bản hoặc sang Thái Lan trong tháng 10 tới.