Mỹ-Trung đấu khẩu tuần qua, giải pháp tháo ngòi nổ hay tình thế bất ngờ?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần qua, quan chức hàng đầu Washington và Bắc Kinh tìm cách hàn gắn rạn nứt mới liên quan khinh khí cầu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc hai nhà ngoại giao hàng đầu của Washington và Bắc Kinh đấu khẩu cho thấy mức độ khó khăn để hai bên có thể thỏa hiệp. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã trao đổi gay gắt về nhiều lĩnh vực, từ khinh khí cầu cho đến các vấn đề liên quan tới Triều Tiên và Nga trong cuộc gặp đầu tiên kể từ khi vụ việc nổ ra. 

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị Munich. Ảnh: Reuters. 
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị Munich. Ảnh: Reuters. 

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng cảnh báo khả năng Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine - động thái có thể gia tăng căng thẳng.

Dù với tất cả những tuyên bố của Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình về mong muốn ổn định quan hệ, nhưng dường như không bên nào có khả năng làm vậy. Việc chuyến thăm Bắc Kinh của ông Blinken bị hủy sau khi phát hiện ra một khinh khí cầu "đi lạc" vào không phận Mỹ - dường như chỉ khiến các triển vọng trở nên xa vời hơn.

Kori Schake, giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định: "Mối quan hệ giữa hai bên đang trở nên mong manh hơn. Nếu Trung Quốc tiên phong hỗ trợ cho Nga như cách phương Tây đang cung cấp cho Ukraine, điều đó sẽ củng cố liên minh Nga-Trung và cả nhận thức của phương Tây về Trung Quốc như một bên cần dè chừng.”

Phần còn lại của thế giới đang theo dõi sự việc. Các nhà lãnh đạo Brazil và Singapore đã cảnh báo về tác động lan tỏa quân sự và kinh tế của căng thẳng kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - và bày tỏ không sẵn lòng chọn bên.

Ông Blinken tìm cách đưa ra sự đảm bảo, khẳng định Mỹ “không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới” sau khi ông Vương Nghị tuyên bố “tâm lý Chiến tranh Lạnh đã quay trở lại.”

Cuộc gặp và những lời lẽ gay gắt phản ánh khó khăn trong quan hệ Mỹ-Trung. Trong thông báo về cuộc đàm phán, Trung Quốc thậm chí từ chối gọi đây là một cuộc gặp, mà là “cuộc tiếp xúc không chính thức” và lập luận rằng hai bên chỉ thảo luận vì Mỹ đưa ra yêu cầu.

Ông Vương Nghị, mặt khác, cho biết Trung Quốc sẽ đưa ra một đề xuất hòa bình mới cho Ukraine trong những ngày tới. Ông Vương Nghị - với lịch trình chuẩn bị bay tới Moscow để gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Nga sau hội nghị Munich, cũng đã gặp ngoại trưởng Ukraine và lên án các cuộc tấn công vào các nhà máy điện hạt nhân.

Trong nhiều tháng qua, Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc không được hỗ trợ thêm cho Tổng thống Vladimir Putin.

"Có còn hơn không"

Hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc tranh cãi mới nhất bên lề Hội nghị An ninh Munich có thể hiện một sự trút giận lành mạnh, hay là một tín hiệu khác cho thấy Mỹ và Trung Quốc vẫn mắc kẹt trong thế bế tắc của nỗ lực hóa giải xung đột. 

Có những lĩnh vực mà hai bên sẽ được hưởng lợi từ sự hợp tác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và phổ biến vũ khí hạt nhân.

Trong một biên bản từ cuộc họp, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết ông Blinken đã lên án một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới của Triều Tiên “và nhấn mạnh sự cần thiết của các cường quốc có trách nhiệm để đối phó với những thách thức quốc tế quan trọng như vậy” – thể hiện yêu cầu của Mỹ rằng Trung Quốc phát huy ảnh hưởng của nó và hạn chế những vụ phóng tương tự.

Henry Wang Huiyao, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một nhóm nghiên cứu chính sách ở Bắc Kinh, cho biết: “Một cuộc họp luôn tốt hơn là không có gì. “Cả hai bên đều có vẻ khó khăn — cả hai đều có đông đảo "khán giả" trong nước dõi theo.”