Gặp gỡ bên lề hội nghị an ninh hạt nhân tại Washington, ông Tập Cận Bình và ông Obama đồng ý thúc đẩy hợp tác đảm bảo an ninh hạt nhân toàn quốc và an ninh mạng. Họ cũng đồng ý tiếp tục triển khai các hiệp ước đầu tư song phương, theo trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trịnh Trạch Quang.
Các lãnh đạo thế giới tập trung tại hội nghị an ninh hạt nhân diễn ra tại Washington.
|
Tuy nhiên, trợ lý Trịnh cũng nói rõ, Bắc Kinh và Washington duy trì khác biệt về vấn đề Biển Đông. Ông Tập bày tỏ mong muốn Washington không can thiệp vấn đề chủ quyền tại vùng biển chiến lược này. Trang thông tấn Xinhua dẫn lời ông Tập ngang ngược cảnh báo, Trung Quốc “không chấp nhận việc vi phạm chủ quyền bằng các hành vi mang danh nghĩa khẳng định tự do hàng hải”, một lời ám chỉ những hoạt động tuần tra hàng không và đường biển Mỹ thực hiện thời gian qua.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn vùng Biển Đông, nơi 5 ngàn tỷ USD hàng hóa thông thương mỗi năm. Washington cho biết, không đứng về phía nào trong những tranh cãi này, tuy nhiên sẽ đảm bảo quyền tự do hàng hải ở đây được tôn trọng. Những động thái tuần tra gần đây của Mỹ khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận.
Trong khuôn khổ hội nghị, phát biểu sau cuộc gặp với lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Barack Obama cho biết 3 nước có cùng chung quan điểm là khu vực châu Á Thái Bình Dương cần duy trì “trật tự dựa trên luật pháp không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ.., phải phạt động dựa trên nguyên tắc chung”, trong một chỉ trích hướng về những theo đuổi pháp lý lãnh thổ của Trung Quốc. Giới chức Mỹ cũng bày tỏ lo ngại Bắc Kinh sẽ nganh nhiên tuyên bố Vùng nhận diện phòng vệ hàng không (ADIZ) trong khu vực này, tương tự năm 2013 tại biển Hoa Đông.
Hôm 30/4, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work cho biết, Mỹ tuyên bố thẳng thừng sẽ không công nhận những “khu vực riêng biệt” tạo ra trên Biển Đông, rằng đây là hành động “gây bất ổn”.
Về vấn đề Bán đảo Triều Tiên, ông Trịnh cũng truyền đạt rằng Trung Quốc “cực lực phản đối” kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD) tại Hàn Quốc sau đợt thử tên lửa hạt nhân thứ 4 hồi tháng 1.
Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu hội đàm về vấn đề triển khai hệ thống THAAD vào tháng trước. Trung Quốc ủng hộ những biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên sau những hoạt động phóng tên lửa tầm xa.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 4. Đây là dịp Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán về không phổ biến, tiến tới giải trừ quân bị hoàn toàn triệt để vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân, sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình và bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng tham gia các cuộc tiếp xúc song phương bên lề hội nghị.