Mỹ - Trung khó định hình quan hệ “nước lớn kiểu mới”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ B.Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Ngay trước thềm các phiên họp quan trọng của Đại hội đồng Liên Hợp quốc diễn ra tại New York (Mỹ) – nơi hội tụ của hơn 190 nguyên thủ và nhà lãnh đạo cấp cao của các nước thành viên, truyền thông quốc tế đã tập trung sự chú ý vào cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống chủ nhà Barack Obama.
Tổng thống Mỹ B.Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ B.Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Các cuộc gặp giữa lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được cho là cơ hội để hai nhà lãnh đạo đảo ngược xu hướng đi xuống trong quan hệ Mỹ - Trung được hình thành kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2013.

Cơ hội hóa giải bất đồng

Sự thiếu tin cậy và nghi ngại về tác động của Trung Quốc đến vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đã khiến mối quan hệ song phương ở mức thấp nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Thậm chí, các nhà quan sát còn cho rằng, Mỹ và Trung Quốc có thể thúc đẩy một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Vì vậy, chuyến thăm Mỹ lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là cơ hội để hai cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới trao đổi các quan điểm về các vấn đề mang tính toàn cầu, cởi bỏ các nút thắt trong quan hệ song phương.

Thiện chí của chính quyền Mỹ trong việc hâm nóng mối quan hệ với Trung Quốc không chỉ được thể hiện bằng 21 phát đại bác – nghi thức đón tiếp nguyên thủ cao nhất của Washington mà còn qua lời chào “ni hao” bằng tiếng phổ thông của Tổng thống Obama. Trước đó, Washington cũng quyết định dẫn độ một quan chức cấp thấp của Trung Quốc về nước do các cáo buộc tham nhũng và không công bố các biện pháp trừng phạt những đơn vị, cá nhân bị nghi ngờ tham gia vào các cuộc tấn công mạng. Đáp lại, để “giảm nhiệt” bầu không khí căng thẳng bao trùm quan hệ ngoại giao song phương, Trung Quốc đã trả tự do cho một nhà hoạt động nhân quyền và cử một phái đoàn cấp cao sang Mỹ để thảo luận về các biện pháp bảo đảm an ninh mạng.

Lá phiếu tín nhiệm mang tên BIT

Bên cạnh những “món quà” mang tới Mỹ như hợp đồng mua 300 máy bay Boeing trị giá khoảng 38 tỷ USD, ông Tập còn thể hiện rõ quyết tâm xây dựng mối quan hệ “nước lớn kiểu mới” Mỹ - Trung bằng đề xuất 4 điểm được công bố tại chặng dừng chân Seattle hôm 22/9. Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, cả hai bên nên hiểu đúng các mục đích chiến lược của nhau, tăng cường hơn nữa sự hợp tác cùng có lợi, giảm bớt hoài nghi và giải quyết những bất đồng giữa hai nước một cách thỏa đáng.

Không khó để hiểu được nguyên nhân vì sao ông Tập đặt nặng mục tiêu “hâm nóng” mối quan hệ lạnh nhạt với Mỹ, bởi để duy trì được vị thế của một cường quốc trên chính trường và thương trường toàn cầu, thay vì là đối thủ, Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác là trở thành đối tác với Washington. Đặc biệt, với chính quyền Trung Quốc, Hiệp ước đầu tư song phương (BIT) được kỳ vọng hoàn tất sau chuyến thăm này là một phần thưởng lớn nhất, giúp các DN hai bên dễ dàng tiếp cận thị trường rộng lớn của nhau. Một thỏa thuận như BIT sẽ mang lại lợi ích ngắn hạn cho ông Tập với tư cách là một lá phiếu tín nhiệm của Mỹ cho nền kinh tế đang suy giảm tăng trưởng và gặp nhiều thách thức của Trung Quốc.

Còn nhiều “điểm nghẽn”

Tất nhiên để thuyết phục Quốc hội và cộng đồng doanh nhân Mỹ khỏi sự hoài nghi, ông Tập phải chấp nhận “đánh đổi” bằng một cam kết mang tính xây dựng. Chỉ có điều, cam kết này chưa chắc đã được hiện thực hóa bởi những khác biệt quá lớn trong hệ thống lợi ích của Mỹ và Trung Quốc về hàng loạt vấn đề như an ninh mạng, an toàn hàng hải tại Biển Đông,…

Những hành động mà Washington cho là “thiếu thận trọng” của Trung Quốc tại Biển Đông, biển Hoa Đông; các cuộc tấn công trong không gian mạng; chính sách kinh tế nặng tính bảo hộ… không chỉ thách thức quyền lợi của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương mà còn làm suy giảm niềm tin vào chính quyền Bắc Kinh với tư cách là một đối tác có trách nhiệm. Vì vậy, thành công duy nhất trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập, không phải là định hình cho mối quan hệ “nước lớn kiểu mới” mà chỉ là “pha loãng” khác biệt và ngăn chặn sự suy giảm hơn nữa mối quan hệ song phương.