Mỹ trừng phạt công ty Nga tham gia Nord Stream 2: Đòn muộn giữ danh

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng vào thời điểm Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Nga gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, phía Mỹ công bố biện pháp chính sách trừng phạt một số công ty của Nga tham gia thực hiện dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Nord Stream 2)
Dự án này được thỏa thuận giữa Nga và một số nước thành viên EU với vai trò then chốt của Đức và dẫn khí đốt từ Nga ngầm vượt Biển Bắc từ Nga tới thẳng nước Đức chứ không quá cảnh qua những nước trong khu vực láng giềng của Nga như Ucraine, Belarus hay Ba Lan. Dự án này làm nội bộ EU bị phân rẽ và quan hệ giữa EU với Mỹ thêm khúc mắc. Mỹ và những nước láng giềng phía tây của Nga chống phá Nord Stream 2 quyết liệt. Thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, phía Mỹ quyết định trừng phạt tất cả các công ty tham gia thực hiện dự án này. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden chủ trương tranh thủ Đức nên không áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty của phía các nước thành viên EU tham gia thực hiện dự án này. Bây giờ, ông Biden quyết định trừng phạt mấy công ty ở phía Nga.
Ông Biden đưa ra quyết định này khi dự án đã sắp được hoàn thành và dường như không ai và không có gì ở Mỹ cũng như trong EU có thể hủy hoại dự án này được nữa. Cho nên có thể thấy động thái mới của phía Mỹ không phải nhằm để Nord Stream 2 rồi đây không thể được xây dựng hoàn thành hoặc không thể đi vào vận hành bình thường và hiệu quả được. Mục đích chính của phía Mỹ với quyết sách mới này xem ra trước hết nhằm xoa dịu phần nào sự chống đối dự án ở Mỹ và trong nội bộ EU, tức là vừa trang trải nhu cầu đối nội vừa tranh thủ những thành viên EU ở châu Âu phản đối dự án và xung khắc với Nga. Nhưng ông Biden làm vậy còn đồng thời có ý răn đe và cảnh báo cả Nga lẫn EU là Mỹ vẫn lưu tâm tới dự án này, vẫn bảo lưu khả năng hành động quyết liệt hơn nhằm vào Nga sau khi dự án đi vào hoạt động. Thông điệp Mỹ muốn phát đi là cho dù chuyện dự án Nord Stream 2 là chuyện đã rồi thì tới đây Nga, Đức và EU vẫn phải để ý thoả đáng đến lợi ích riêng của Mỹ.