Mỹ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 bắt buộc đối với du khách từ Trung Quốc

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo một số chuyên gia y tế quốc tế, Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống dịch đồng nghĩa với việc Covid sẽ lây lan với tốc độ không thể kiểm soát được. Ước tính con số có thể lên đến hàng triệu người mỗi ngày.

Tại khu vực nhận hành lý ở sân bay Sea-Tac, Seattle, Mỹ. Nguồn: Reuters
Tại khu vực nhận hành lý ở sân bay Sea-Tac, Seattle, Mỹ. Nguồn: Reuters

Mỹ sẽ áp dụng các xét nghiệm Covid-19 bắt buộc đối với khách du lịch từ Trung Quốc, các quan chức y tế của quốc gia này cho biết hôm 28/12.

Các quan chức Mỹ cho biết bắt đầu từ ngày 5/1, tất cả hành khách đi máy bay từ 2 tuổi trở lên sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính không quá hai ngày trước khi khởi hành từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông hoặc Macao.

Những hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính hơn 10 ngày trước chuyến bay có thể cung cấp tài liệu về việc hồi phục thay cho kết quả xét nghiệm âm tính.

Các quan chức Mỹ cho rằng sự thay đổi trong chính sách là do thiếu thông tin về các biến thể SARS-CoV-2 của virus và lo ngại rằng số ca mắc covid gia tăng ở Trung Quốc có thể dẫn đến sự phát triển các biến thể mới của vi rút.

Mỹ cũng đang tăng cường chương trình tự nguyện giải trình tự gen tại các sân bay, bao gồm hai sân bay ở Seattle và Los Angeles mới được bổ sung vào danh sách, nâng tổng số lên 7.

Trong tháng này, Trung Quốc đã bắt đầu dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và xét nghiệm diện rộng nhằm hạn chế lây lan của dịch Covid, đưa nền kinh tế trở lại hoàn toàn vào năm tới.

Theo một số chuyên gia y tế quốc tế, việc dỡ bỏ các hạn chế đồng nghĩa với việc covid sẽ lây lan với tốc độ không thể kiểm soát được, ước tính con số có thể lên đến hàng triệu người mỗi ngày.

Bắc Kinh đang đối mặt với sự chỉ trích quốc tế rằng số liệu liên quan đến số lượng người chết do covid-19 không phù hợp với mức độ lây lan của dịch bệnh.

"Chúng tôi hiện có rất ít thông tin liên quan đến số ca mắc gia tăng, số ca nhập viện và đặc biệt là số ca tử vong. Ngoài ra, số lượng xét nghiệm trên khắp Trung Quốc đang giảm nên cũng gây khó khăn cho việc xác định tỷ lệ lây nhiễm thực sự là bao nhiêu? " - một quan chức y tế Mỹ phát biểu trước báo giới.

Với số lượng lớn người ở Trung Quốc chưa tiếp xúc với vi-rút, sự ra đời của các biến thể Omicron và việc Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “zero-covid” khiến số ca nhiễm gia tăng ở Trung Quốc, quan chức trên bày tỏ sự lo ngại.

Một số chuyên gia y tế cho biết loại virus này có thể lây nhiễm tới 1 triệu người mỗi ngày và dự đoán Trung Quốc có thể có 2 triệu ca tử vong trở lên.

Đầu tuần này, các quan chức Mỹ đã chỉ ra sự thiếu minh bạch trong cung cấp dữ liệu liên quan đến covid của Trung Quốc cũng như cách mà quốc gia này đối phó với đại dịch.

Các cách tiếp cận của Mỹ và Trung Quốc trong việc ứng phó với đại dịch cho thấy nhiều sự khác biệt.

Tỷ lệ lây nhiễm cao ở Mỹ trong giai đoạn đầu của đại dịch đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh lập luận rằng mô hình kiểm soát dịch bệnh covid nghiêm ngặt của họ đã cứu được nhiều người.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiêm chủng cho người cao tuổi và vẫn chưa cho phép sử dụng vắc xin mRNA nước ngoài. Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc vào tuần trước, tỷ lệ tiêm chủng chung của quốc gia này là trên 90%, nhưng tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại giảm xuống còn 57,9% với người trưởng thành và 42,3% với người từ 80 tuổi trở lên.

Quốc gia này có 9 loại vắc xin covid-19 được phát triển trong nước và phê duyệt sử dụng, nhưng không có vắc xin nào chống lại biến chủng Omicron có khả năng lây nhiễm cao.

Các quan chức Mỹ đã đồng ý cung cấp vắc xin mRNA và các hỗ trợ khác cho Trung Quốc, nhưng vào thời điểm đó các quan chức của đất nước tỷ dân này đã công khai từ chối sự hỗ trợ của Mỹ.