KTĐT - Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), Giám đốc Trung tâm Dự báo quốc gia và thông tin thị trường lao động nhận định: Mặc dù nền kinh tế đang bắt đầu phục hồi, các doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng, nhưng tỉ lệ thất nghiệp trong năm 2010 có thể bằng hoặc cao hơn năm trước.
Theo báo cáo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, đến cuối năm 2009, cả nước đã có 133.262 lao động bị mất việc làm, chiếm 18% lao động làm việc trong các doanh nghiệp có báo cáo. Ngoài ra trên cả nước còn có 40.348 lao động ở các làng nghề bị mất việc và khoảng 100.000 người khác phải giảm giờ làm, nghỉ luân phiên.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), Giám đốc Trung tâm Dự báo quốc gia và thông tin thị trường lao động nhận định: Mặc dù nền kinh tế đang bắt đầu phục hồi, các doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng, nhưng tỉ lệ thất nghiệp trong năm 2010 có thể bằng hoặc cao hơn năm trước.
Nguyên nhân là do sau thời kỳ khủng hoảng, thất nghiệp, thanh niên (lực lượng lao động chủ chốt) chưa tìm được việc làm nên tiếp tục học tại các khóa đào tạo nghề để hy vọng kiếm được một công việc tốt hơn, vì thế thời gian học nghề của họ bị kéo dài ra. Họ sẽ là lực lượng làm tăng thêm số lượng lao động chưa có việc làm, trong khi không ít doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do thiếu hụt lao động. Hơn nữa, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ theo chiều sâu, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, sự gia tăng hoạt động của các công ty đa quốc gia đã khiến không ít lao động phổ thông mất việc làm, bổ sung cho đội quân thất nghiệp…
Trong xu thế hiện nay, kinh tế và sự phát triển của mỗi quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nền tri thức và nguồn nhân lực, do vậy việc phân tích và dự báo thông tin kinh tế - xã hội nói chung, việc làm và thị trường lao động nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hoạch định các chính sách về phát triển kinh tế xã hội, mà trọng tâm là phát triển lực lượng lao động có kỹ năng và việc làm bền vững. Mặc dù với sự tài trợ của Liên minh châu Âu, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam đã triển khai thực hiện Dự án thị trường lao động trong giai đoạn 2008-2010 nhưng vẫn còn những hạn chế như: Lao động chưa qua đào tạo lớn; Lao động chủ yếu làm việc trong nông nghiệp ở khu vực nông thôn; Hiệu quả tạo việc làm từ nền kinh tế chưa cao; Việc làm chưa bền vững… Đây thực sự là những thách thức lớn đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới.
Để hạn chế tỷ lệ thất nghiệp, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, xây dựng một chiến lược giải quyết việc làm một cách cơ bản, phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền. Bên cạnh đó, người lao động cần phải nỗ lực học tập để nâng cao trình độ, tay nghề, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của các doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.