Chia sẻ tại Hội thảo Tái cơ cấu nền kinh tế sáng 16/12, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện nhà băng lớn nhất của Việt Nam (Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Agribank) chỉ có quy mô khoảng 25 tỷ USD, tức là bằng một nửa con số nêu trên. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong vòng 5 năm tới, theo Thống đốc, chỉ ở mức 10 - 15% mỗi năm nên việc các ngân hàng tăng quy mô để đạt mục tiêu là rất khó khăn. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng, trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ khuyến khích hoạt động mua bán sáp nhập, qua đó phấn đấu giảm nhanh số lượng nhà băng. “Về cơ bản, sau khi tái cơ cấu, 80% thị phần sẽ thuộc về 12 - 15 ngân hàng mà thôi”, Thống đốc cho biết. Với 20% còn lại, ông Bình nói rằng sẽ tiếp tục dành các nhà băng quy mô nhỏ nhưng hoạt động ở phân khúc, và quy chế riêng. Cơ quan quản lý cũng sẽ phát triển mạnh hệ thống tài chính vi mô, vốn đang rất được khuyến khích ở khu vực nông thôn hiện nay. Về lộ trình tái cơ cấu, Thống đốc Ngân hàng cho biết sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề thanh khoản của các ngân hàng trước tháng 3 năm sau, đồng thời xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém trong năm 2012. Quá trình này được thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau, nhưng đảm bảo không gây ra đổ vỡ hệ thống cũng như ảnh hưởng tới quyền lợi của người gửi tiền. Đến năm 2013, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện hợp nhất các ngân hàng nhưng chủ yếu là để củng cố hoạt động, mở rộng quy mô các nhà băng. Quá trình này sẽ cơ bản kết thúc vào năm 2014 - 2015 khi Việt Nam có 1-2 ngân hàng đủ mạnh để hoạt động ở tầm khu vực. Hiện quy mô trung bình của nhà băng loại này khoảng 50 tỷ USD. Tuy vậy, việc củng cố hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến năm 2020. Theo Thống đốc, khó khăn lớn nhất trong quá trình tái cơ cấu chính là không để xảy ra đổ vỡ hệ thống trong khi nguồn lực hỗ trợ các ngân hàng có hạn. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ tại các ngân hàng, phát triển các dịch vụ mới bên cạnh kinh doanh tín dụng truyền thống (đang chiếm trên 80% hoạt động của các ngân hàng tại Việt Nam).