Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2020 giá nhà ở Hà Nội có thể tăng trên 10%

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, giá bán nhà tại Hà Nội tăng bình quân xấp xỉ 6% so với năm 2018, trước tình trạng nguồn cung khan hiếm như hiện nay, dự báo trong năm 2020 giá nhà tại thị trường Thủ đô dự kiến sẽ tăng từ 10 - 15% so với năm 2019.

Giá bán tăng cao
Số liệu thống kê từ Hội môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, trong năm 2019 nguồn cung các sản phẩm BĐS bị giảm mạnh, đặc biệt là phân khúc căn hộ. Cụ thể, trong năm này tại TP Hồ Chí Minh giảm 52%, còn tại Hà Nội giảm 24%, điều đó đã làm cho giá bán các sản phẩm được đồng loạt đẩy lên cao.
Nếu như tại Hà Nội trong quý IV/2019 giá bán tăng thêm khoảng 3,5%, đẩy mức trung bình cả năm lên 6% so với cùng kỳ năm 2018; Tại TP Hồ Chí Minh giá bán được ghi nhận tăng cao gơn gấp nhiều lần Hà Nội. Trong quý cuối cùng của năm 2019, giá bán căn hộ tại TP này tăng khoảng 9%, đã đưa mức tăng bình quân từ 15 – 20%, cá biệt có một số dự án căn hộ tại Quận 9 mức giá tăng tới 39%.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, giá bán các sản phẩm bị đẩy lên cao là do quy mô thị trường, nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm, đáng lo ngại là nguồn cung sản phẩm nhà ở thương mại vừa túi tiền của người dân và nhà ở xã hội bị thiếu nghiêm trọng.
“Số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn, giấc mơ có nhà ở ngày càng xa vời. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản” – ông Châu nhìn nhận.
 Năm 2020 giá bán sản phẩm căn hộ tại Hà Nội dự báo sẽ tăng thêm 10 - 15% so với năm 2019 (Ảnh: Doãn Thành).
Số liệu tổng hợp từ Bộ Xây dựng cũng cho thấy, nguồn cung mới bị giảm sút đã khiến cho tổng số giao dịch thành công trong năm 2019 giảm khoảng 26,1% so với cùng kỳ năm 2018, đạt trên 83.100 sản phẩm. Theo quy luật tự nhiên của kinh tế thị trường thì cung giảm – cầu tăng giá sẽ được đẩy lên cao.
Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Vũ Quang Vinh, trong những năm gần đây nguồn cung các sản phẩm BĐS tại thị trường Hà Nội thường thấp hơn TP Hồ Chí Minh. Với sự giảm sút của thị trường, nếu Nhà nước không sớm có biện pháp tháo gỡ những khó khăn về pháp lý, tài chính, trong khoảng 2 năm tới đây, thị trường BĐS sẽ không còn sản phẩm để bán và Hà Nội sẽ là địa bàn đầu tiên bị “hết hàng”.
“Trước diễn biến của thị trường trong thời gian qua, trong năm 2020 giá bán các sản phẩm BĐS, đặc biệt là căn hộ chung cư sẽ tiếp tục tăng cao. Dự báo tại thị trường Hà Nội mức tăng sẽ cao hơn, vào khoảng 10 – 15% so với năm 2019” – ông Vinh nhận định.
Sớm hoàn thiện thể chế pháp luật
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, trong năm 2020 thị trường BĐS sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến khó lường, vấn đề này có tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế và thị trường BĐS Việt Nam, độ mở của nền kinh tế lớn và khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.
Trong khi đó, người tiêu dùng BĐS, nhà đầu tư BĐS thứ cấp đều đã có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và sự nhạy bén về thị trường... sẽ trở thành nhân tố quyết định để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh. Vì vậy, đối với cộng đồng doanh nghiệp BĐS muốn tồn tại và phát triển bền vững cần phải chấp hành và tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích của người tiêu dùng và phải nâng cao chất lượng sản phẩm, có trách nhiệm với xã hội.
“Để giải quyết những khó khăn cho thị trường, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các thể chế pháp luật trong năm 2020, với lộ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và nhất là yêu cầu cấp bách phải sửa đổi ngay một số văn bản dưới luật, để khai thông các điểm nghẽn, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại, tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân” – ông Châu cho biết thêm.

Với việc Nhà nước thực hiện dừng hoặc kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép mới cho các dự án, khiến cho nguồn cung giảm sút mạnh trong năm 2019, giá bán sản phẩm tăng lên. Vấn đề này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong năm 2020, đối với các dự án đã được cấp phép trong thời gian qua, thì nhà đầu tư BĐS có thể sẽ thu được nguồn lợi nhuận khá lớn từ việc giá bán tăng cao.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ