Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2020: Thị trường tiền tệ bình lặng, ngoại hối biến động mạnh

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường tiền tệ năm 2020 ghi nhận 1 năm bình lặng về lãi suất và dòng tiền thanh khoản trên thị trường không khan hiếm, trong khi đó tỷ giá ngoại tệ lại có những biến động mạnh.

Tiền tệ ổn định

Thị trường tiền tệ năm 2020 khá bình lặng. Thị trường mở nhiều tháng không có giao dịch và lãi suất trên liên ngân hàng cũng liên tục giảm. Trong đó, tuần cuối cùng của năm 2020 lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang ở mức 0.19%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0.295%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Tính chung cả năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không bơm/hút ròng trên thị trường. Nếu dự trữ ngoại hối cuối năm 2020 đạt 100 tỷ USD theo ước tính của Chính phủ thì lượng bơm tiền ròng từ NHNN tăng thêm khoảng 13% so với cùng kỳ 2019.

Mặc dù tín dụng tăng tốc mạnh trong tháng 12 nhưng thanh khoản các ngân hàng vẫn rất dồi dào, lãi suất tiền gửi hầu như không đổi, thậm chí một số ngân hàng còn giảm 0,1 - 0,2% ở các kỳ hạn. Tính chung cả năm 2020, lãi suất tiền gửi đã giảm 1,5 - 3%/năm ở tất cả các kỳ hạn, lãi suất cho vay cũng giảm 0,5 - 2,5%/năm và đều đang ở vùng thấp nhất lịch sử.
Năm 2020, lãi suất ngân hàng liên tục giảm sâu, thanh khoản dồi dào. Ảnh minh hoạ.
Ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 tăng 12% so với năm 2019 và tăng khoảng 13 - 14% trong năm 2021, nhờ nền kinh tế phục hồi, sự chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang tín dụng ngân hàng và tài chính tiêu dùng tăng trưởng trở lại. Dự báo, lãi suất tiền gửi có thể thoát đáy và tăng trở lại vào giữa năm 2021, do tăng trưởng tín dụng mạnh hơn, bởi gia tăng nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Thị trường ngoại hối biến động

Năm 2020 là một năm đồng Việt Nam đã tăng giá mạnh so với đồng USD. Các đồng tiền mạnh trọng giỏ thanh toán quốc tế năm 2020 đều ghi nhận một năm dao động rất mạnh. Chốt năm hầu hết đều tăng giá so với USD. Cụ thể, đồng Korona Thụy Điển (SEK) tăng 12,1% so với USD; đồng EUR tăng 8,94%; đồng CHF tăng 8,54%; CNY tăng 6,26%; đồng Won Hàn Quốc (KRW) tăng 5,74%; JPY tăng 4.94% và GBP tăng 3,13% so với đồng USD.…

Tại Việt Nam, Sở Giao dịch NHNN ngừng niêm yết tỷ giá mua vào ngoại tệ và ngừng mua ngoại tệ giao ngay từ ngày 31/12/2020 và thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang ở tỷ giá 23.125 đồng/USD. Mỗi tổ chức tín dụng chỉ được hủy ngang 1 lần và toàn bộ giá trị giao dịch đối với mỗi giao dịch bán ngoại tệ kỳ hạn cho NHNN. So với việc niêm yết tỷ giá giao ngay trước đây, phương án mua kỳ hạn sẽ khiến các ngân hàng thương mại (NHTM) chịu gánh nặng rủi ro ngoại hối lớn hơn và NHNN sẽ can thiệp ít hơn vào thị trường ngoại hối.

Phản ứng với thông tin này, tỷ giá USDVND niêm yết của các NHTM giảm 30 đồng/USD, về mức 22.980/23.190. Tuy nhiên, trên thị trường tự do lại tăng khá mạnh 120 đồng/USD chiều mua vào và tăng 110 đồng/USD chiều bán ra, lên mức 23.370/23.400 đồng/USD.

Như vậy, trong năm 2020, VND đã tăng giá 0,33% so với USD, đây là năm thứ 2 VND tăng giá liên tiếp so với USD. Hiện USD vẫn nằm trong xu hướng giảm giá, cộng với việc NHNN cho phép VND biến động một cách tự do hơn theo diễn biến thị trường và giảm bớt sự can thiệp hàng ngày.

Điều này, chuyên gia nhận định năm 2021 có thể VND tăng giá nhẹ so với USD. Nguyên nhân là do, chỉ số sản xuất PMI tháng 12 hồi phục khá mạnh ở các nước châu Âu và duy trì tích cực ở Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Tâm lý thị trường duy trì lạc quan bất chấp số ca nhiễm mới Covid-19 vẫn không ngừng tăng manh. Tính chung, chỉ số DXY cuối năm 2020 đã giảm giảm 6,7% so với cuối năm 2019, chốt năm ở mức 89.94 và giảm 12,5% so với mức đỉnh thiết lập cuối tháng 3/2020.