Năm 2021, hơn 1,4 triệu người thiếu việc làm do Covid-19

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/1, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo về tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2021, chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.

Dịch Covid-19 tác động lớn đến việc làm của người lao động. Ảnh minh họa
Dịch Covid-19 tác động lớn đến việc làm của người lao động. Ảnh minh họa

Ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ thống kê dân số và lao động cho biết, cùng với chính sách thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch để khôi phục kinh tế, thị trường lao động quý IV bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý IV năm 2021 tăng so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, diễn biến phức tạp và kéo dài của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư khiến tình hình lao động việc làm năm 2021 gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2020. Lực lượng lao động, số người có việc làm giảm; tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp tăng so với năm trước.

Cụ thể, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2021 là 49 triệu người, giảm 1 triệu người so với năm 2020. Trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới. Số lao động có việc làm ở khu vực nông thôn 31,2 triệu người, giảm 1,5 triệu người và ở nam giới 26,2 triệu người, giảm 729.500 người so với năm trước.

Trong năm 2021, tình hình dịch kéo dài và phức tạp hơn trong năm 2020 khiến hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng 16,3 triệu người (chiếm 33,2%), giảm 254,2 nghìn người so với năm trước; khu vực dịch vụ 18,6 triệu người (chiếm 37,9%), giảm 808.000 người so với năm trước; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37.300 người so với năm trước.

Trong năm 2021, số lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều giảm. Số lao động có việc làm phi chính thức 19,8 triệu người, giảm 628.000 người, mức giảm này cao hơn so với mức giảm ở lao động có việc làm chính thức; số lao động có việc làm chính thức 15,4 triệu người, giảm 469.800 người so với năm 2020.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 hơn 1,4 triệu người, tăng 203.700 người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 3,22%, tăng 0,54 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị 4,42%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 - 24 tuổi) 8,48%, tăng 0,52 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị 11,91%, tăng 1,33 điểm phần trăm so với năm trước.

Mặc dù Chính phủ đã có các chính sách chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng chống Covid-19, vừa thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế xã hội nhưng tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó khu vực thành thị vượt mốc 4%.

“Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn trong năm 2021. Điều này trái với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta, với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị”- đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Năm 2021 thu nhập bình quân tháng của người lao động 5,7 triệu đồng, giảm 32.000 đồng so với năm 2020. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam 6,6 triệu đồng, cao hơn 1,4 lần của lao động nữ (4,7 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị 7 triệu đồng, cao hơn 1,4 lần mức thu nhập bình quân lao động khu vực nông thôn (5 triệu đồng).