Đây là nhận định chung của các chuyên gia, doanh nghiệp tại Diễn đàn BĐS mùa Xuân và vinh danh thương hiệu BĐS dẫn đầu năm 2021 - 2022, diễn ra tại Hà Nội ngày 15/3.
Theo PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, hiện nay các thể chế chưa theo kịp tốc độ của thị trường BĐS. Trong hệ thống pháp luật có 82 đạo luật liên quan vẫn tồn tại những bất cập, cùng một số Nghị định, văn bản chuyên ngành liên quan gây khó khăn cho công tác thực thi Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia, nhất là việc cơ cấu lại nguồn cung, tập trung vào phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phục vụ nhu cầu của số đông.
“Cần phải xác định rõ ràng các đạo luật hiện nay thiếu đồng bộ, chưa cập nhật và thay đổi của quy định phù hợp với thực tiễn của thị trường trong Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư… Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh doanh BĐS nói chung, cần rà soát, sửa đổi bổ sung quy định liên quan của Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh BĐS 2014” - PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến cho hay.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS Cấn Văn Lực cho biết, đại dịch Covid-19 còn phức tạp, địa chính trị phức tạp nhất là chiến sự Nga - Ukraine khiến giá dầu, giá vàng, chứng khoán… biến động mạnh và khó đoán hơn; giá cả, lạm phát sẽ còn tăng trưởng; thu hẹp các gói hỗ trợ, mua tài sản và tăng lãi suất; lợi nhuận biên của doanh nghiệp bị thu hẹp.
Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2022, nhiều chỉ số kinh tế quan trọng ghi nhận mức tăng như: GDP tăng 4,8 - 5,2% (quý I) so với cùng kỳ, CPI bình quân tăng 1,68%, chỉ số sản xuất nghiệp tăng 5,4%, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 876,03 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng 10,2%, kim ngạch nhập khẩu tăng gần 16%, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 11,9%..
Dự báo cả năm 2022, GDP đạt 6 - 6,5%, CPI bình quân tăng 3,8 - 4,2%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7 - 7,5% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng lần lượt 15 - 17%; cán cân thương mại tăng từ 4 lên 8 tỷ USD, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13 - 14%; vốn FDI đăng ký tăng 7 - 10%... Trong khi đó, nền kinh tế phục hồi khá nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023.
“Đáng chú ý, gói hỗ trợ phát triển nền kinh tế với quy mô 350.000 tỷ đồng tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao gồm: Đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng và các giải pháp khác. Chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; tăng chi đầu tư phát triển; hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh... Những yếu tố trên sẽ tác động tích cực đến sự phục hồi của ngành BĐS, xây dựng” - TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Tại Diễn đàn các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng vấn đề cốt lõi hiện nay là cần phải sớm hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường BĐS, kết hợp với chương trình phục hồi phát triển kinh tế, có như vậy thì mới tạo điều kiện thuận lợi giúp cho ngành BĐS, xây dựng phục hồi, tăng trường trở lại.
Ban tổ chức Diễn đàn cũng đã vinh danh Top doanh nghiệp dẫn đầu trong hoạt động BĐS với các hạng mục: 10 khu đô thị đáng sống nhất năm 2021; 10 dự án chung cư cao cấp tốt nhất năm 2021; 5 dự án nhà ở đại chúng tốt nhất năm 2021; 5 dự án công trình xanh - thông minh tốt nhất năm 2021; 10 dự án BĐS du lịch tiềm năng nhất năm 2022; 10 Khu đô thị và nhà ở tiềm năng nhất năm 2022; 10 nhà cung ứng dịch vụ BĐS tốt nhất năm 2021; 5 nhà cho vay BĐS tốt nhất năm 2021; 10 sàn giao dịch BĐS tốt nhất năm 2021; 10 nhà phát triển BĐS công nghiệp tốt nhất năm 2021; 10 nhà phát triển BĐS tiềm năng nhất năm 2022; 10 nhà phát triển BĐS hàng đầu Việt Nam năm 2021.