Nghị quyết gồm 4 điều và 7 phụ lục kèm theo, trong đó Quốc hội nhất trí tổng số thu và chi ngân sách T.Ư năm 2022 gồm: Tổng số thu ngân sách Trung ương là 739.132 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 672.568 tỷ đồng. Còn tổng số chi ngân sách Trung ương là 1.087.032 tỷ đồng, trong đó dự toán 359.982 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Quốc hội phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương. Trong đó, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; số bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương. Còn tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và số bổ sung cân đối của ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương áp dụng riêng cho năm 2022. Căn cứ tình hình thực tế, năm 2023, Quốc hội sẽ quy định lại cho phù hợp.
Trước đó, có ý kiến đề nghị bố trí tăng cho dự phòng ngân sách Trung ương để bảo đảm đáp ứng chi phòng, chống dịch trong năm 2022.
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, dự phòng ngân sách Nhà nước năm 2022 dự kiến là 39.000 tỷ đồng đã ưu tiên bố trí cao hơn năm 2021, trong đó dự phòng ngân sách Trung ương là 20.500 tỷ đồng (tăng 17% so với dự toán 2021), dự phòng ngân sách địa phương là 18.500 tỷ đồng (tăng 8,8% so với dự toán 2021); dự kiến chi dự trữ quốc gia bố trí 1.700 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng (tương ứng tăng 41,7%) so với dự toán năm 2021; phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 đã bố trí riêng 10.000 tỷ đồng chi cho phòng, chống dịch.
Trong điều kiện ngân sách khó khăn, dự toán năm 2022 đã cố gắng bố trí dự phòng ở mức cao hơn. Hơn nữa, nhu cầu chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng đều là những nhiệm vụ cấp bách trước diễn biến phức tạp của dịch, vì vậy, Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội chấp thuận phương án như Chính phủ trình. Đồng thời, trong điều hành, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cắt, giảm các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết, không có khả năng triển khai, chậm phân bổ trong năm và tăng cường các giải pháp tăng thu nhằm đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch, an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai...