Năm 2022, các doanh nghiệp ngành xây dựng và vật liệu trong nước đối mặt với hàng loạt khó khăn, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, với việc đẩy mạnh tái cơ cấu mô hình hoạt động, rà soát cắt giảm chi phí, cắt giảm nhân sự không đáp ứng yêu cầu, áp dụng công nghệ vào sản xuất và thi công, tối đa hóa dòng tiền thực thu để có thể thích nghi và giữ cho hoạt động SXKD luôn ổn định và phát triển nên kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của Tổng công ty đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, năm 2022, giá trị sản lượng sản xuất kinh doanh của UDIC đạt 4.945,1 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch năm 2022, tăng 6,2% so với thực hiện năm 2021. Doanh thu đạt 8.328,6 tỷ đồng, đạt 133,9% kế hoạch năm 2022, tăng 37% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.315 tỷ đồng, đạt 101,15% so với kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước 100% theo Kế hoạch SXKD. Đặc biệt, năm 2022, UDIC thực hiện được 175.000m2 diện tích nhà ở, nâng thu nhập bình quân của người lao động đạt 8.500.000 đồng/người/tháng, tăng 1,2% so với năm 2021.
Theo ông Giang Quốc Trung - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty, hiện UDIC có 04 dự án đang và chuẩn bị triển khai thi công xây dựng. Trong đó, Cụm công nghiệp CN3 đã cơ bản hoàn thành công tác thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến dự án hoàn thành giai đoạn 1 để đưa vào sử dụng vào Quý I/2023;
Dự án nhà ở xã hội NO1 Hạ Đình (liên danh cùng Công ty Haweicco và Công ty DAC) đã hoàn thành công tác giao đất, điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500, điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện tại, Liên danh đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, dự kiến hoàn thành trong Quý I/2023, khởi công công trình trong Quý II/2023.
Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long – Ciputra, năm 2023 Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long ( Công ty liên doanh của UDIC) tiếp tục triển khai thực hiện tại các lô thấp tầng BT02, BT03, BT04, BT06, BT07, TT01-TT19, I.C.41 (Lô P). Đối với các dự án cao tầng CT07, IV.G.51, IV.G.52 đang điều chỉnh thiết kế và giải phóng mặt bằng đối với ô đất CT07. Đồng thời, tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn III;…
Tổng công ty UDIC cũng đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư gần chục dự án. Dự án tòa nhà văn phòng tại ô đất B2, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc phê duyệt Quy hoạch Tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ. Hiện Tổng công ty đang tiếp tục làm việc với liên ngành để hoàn tất thủ tục xin sắp xếp, xử lý tài sản theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP.
Dự án UDIC Riverside 2 tại ô đất ngõ 122 Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai cũng đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận Quy hoạch Tổng mặt bằng và Phương án kiến trúc. Tổng công ty cũng đang thực hiện sắp xếp, xử lý tài sản theo Nghị định 167/2017.
Hay như Dự án UDIC Phú Quốc Resort được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 1164/QĐ-UBND ngày 28/5/2010 và Quyết định điều chỉnh số 135/QĐ-UBND ngày 10/6/2021. Tổng diện tích đất sạch đã bàn giao là khoảng 31,7 ha (đất giao: 7,4 ha; đất thuê: 24,3ha). Công ty TNHH Đầu tư Phú Gia Phú Quốc đang tổ chức lập dự án đầu tư,...
Mặc dù nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành kế hoạch năm nhưng ông Giang Quốc Trung cũng phải thừa nhận là vẫn còn không ít khó khăn đang đón đợi Tổng công ty phía trước. Bởi lẽ thực tế hiện nay yếu tố pháp lý giữa chủ đầu tư - nhà thầu (hợp đồng xây dựng) vẫn còn nhiều vướng mắc, thủ tục pháp lý rắc rối, phức tạp trong khâu thanh quyết toán, nên phần thua thiệt luôn thuộc về nhà thầu.
Tổng công ty UDIC cũng như hầu hết doanh nghiệp xây dựng đều có nợ đọng, nhất là ở khoảng giá trị khối lượng còn lại khoảng 20-25% cuối của dự án.
Theo ông Giang Quốc Trung, nguyên nhân là do sau khi công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng, chủ đầu tư chậm bố trí vốn trả nợ các dự án đã hoàn thành bàn giao, thậm chí còn cố tình chiếm dụng vốn, chây ì trong việc trả nợ; Công tác thanh tra, kiểm toán, quyết toán công trình hoàn thành chậm, kéo dài do vướng mắc, chồng chéo các thủ tục, quy định, làm ảnh hưởng đến việc thu hồi công nợ… Thế nhưng đến nay vẫn chưa có một cơ chế thanh toán hay chế độ hỗ trợ Tổng công ty giải quyết các vướng mắc kể trên.
“Sau giai đoạn khó khăn bởi hậu quả do đại dịch covid-19 để lại, chúng tôi cũng rút ra được những kinh nghiệm quý báu. Ngoài việc chú trọng yếu tố con người, tuyển dụng, xây dựng, đào tạo, trọng dụng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có đủ năng lực chuyên môn và bố trí công việc hợp lý để phát huy tối đa hiệu quả công việc,… thì trong việc phát triển thị trường, phải chú trọng công tác thu hồi công nợ. Coi thu hồi công nợ là một công việc thường xuyên, liên tục. Giao nhiệm vụ cụ thể đến các đơn vị, các cá nhân phụ trách trực tiếp lập hồ sơ, bám sát Chủ đầu tư, nhanh chóng giải quyết, xử lý các vướng mắc để việc thu hồi công nợ thật nhanh và hiệu quả” – Ông Giang Quốc Trung nhận định.