Quốc hội quyết nghị tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5% vào năm sau. Mức này tương đương chỉ tiêu giao năm 2023, nhưng kinh tế thế giới khó khăn, chịu tác động bởi các cuộc xung đột địa chính trị nên năm nay GDP dự kiến chỉ tăng trên 5%.
Trước đó, trong phiên thảo luận, một số ý kiến cho rằng bối cảnh kinh tế năm 2024 vẫn đối diện nhiều rủi ro, khó đoán định, nên mục tiêu GDP tăng 6-6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng 5-6%.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về các chỉ tiêu chủ yếu, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,0 - 6,5% là khá cao, chỉ nên để ở mức thấp hơn (khoảng từ 5-6%). Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Ba động lực tăng trưởng về đầu tư (tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đang được đẩy nhanh đưa vào khai thác
"Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu, do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết"- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải trình một số nội dung, trong đó, có ý kiến đề nghị chỉ đưa vào Nghị quyết các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được thực hiện trong năm 2024; đề nghị ghi rõ thời gian hoàn thành, khắc phục việc nói chung chung. Trên cơ sở định hướng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ xây dựng, ban hành Nghị quyết triển khai, trong đó sẽ cụ thể hóa cả về tiến độ, thời gian của các nhiệm vụ, giải pháp, giao cho các Bộ, ngành và địa phương, do đó, xin Quốc hội cho giữ nội dung như dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị bỏ nội dung “phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, việc tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí quản lý để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Theo đó, xin Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Nghị quyết.
Với một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quản lý hiệu quả hoạt động thương mại trên các nền tảng số; rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai; ban hành thủ tục xác nhận mức độ sử dụng năng lượng tái tạo; triển khai thí điểm mô hình nhà máy điện ảo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia... Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội là xác đáng, đây là những vấn đề cụ thể, cần quan tâm, quyết liệt xử lý.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, Nghị quyết cần ngắn gọn, súc tích, các giải pháp tổng thể đã bao quát các định hướng chính sách lớn để trên cơ sở đó Chính phủ sẽ chủ động điều hành theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, một số nội dung sẽ được rà soát, nghiên cứu thể hiện trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết chung của Kỳ họp. Do vậy, xin không bổ sung vào dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị Chính phủ lưu ý, quan tâm, có giải pháp thực hiện các kiến nghị nêu trên.
15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu Quốc hội giao năm 2024
1. Tốc độ tăng GDP đạt 6-6,5%
2. GDP bình quân đầu người: 4.700-4.730 USD
3. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP: 24,1-24,2%
4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI): 4,8-5,3%
5. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân: 4,8-5,3%
6. Tỷ trọng lao động nông nghiệp/tổng lao động: 26,5%
7. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị: < 4%
8. Tỷ lệ hộ nghèo giảm: > 1%
9. Số bác sĩ trên 10.000 dân: 13,5 bác sĩ
10. Số giường bệnh trên 10.000 dân: 32,5 giường bệnh
11. Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 69% (có bằng, chứng chỉ 28-28,5%)
12. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế: 94,1% dân số
13. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới: 80%
14. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: 95%
15. Tỷ lệ công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn môi trường: 92%