Năm 2024, giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ luật Lao động năm 2019 quy định một số nhóm đối tượng người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với quy định. Cử tri TP Hải Phòng đề xuất nghiên cứu tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm.

Tại buổi tiếp xúc cử tri với đại diện công nhân, viên chức, người lao động TP Hải Phòng, các cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành nghiên cứu quy định tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung của Bộ luật Lao động.

Buổi học của cô và trò Trường Mầm non Đa Sỹ, quận Hà Đông, Hà Nội. 
Buổi học của cô và trò Trường Mầm non Đa Sỹ, quận Hà Đông, Hà Nội. 

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận, thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo hướng mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Lộ trình này được thực hiện cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Nhưng trong Bộ Luật Lao động năm 2019 có đặt ra vấn đề hạ thấp tuổi nghỉ hưu đối với những đối tượng lao động làm công việc có tính chất đặc thù, chủ yếu là 2 đối tượng: Lao động nặng nhọc, độc hại và lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, với quy định hạ thấp tuổi nghỉ hưu thì có những trường hợp có thể nghỉ hưu sớm hơn 10 năm, so với mức tuổi hưu 55. Đồng thời, cho biết, Quốc hội đã giao Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư, đã xác nhận 1.841 ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp nặng nhọc, độc hại và đặc biệt nặng nhọc độc hại. Ban cán sự Đảng Bộ LĐTB&XH đã thông qua danh sách cuối cùng. Bộ GD&ĐT đề xuất 4 ngành nghề nặng nhọc, độc hại đối với đội ngũ giáo viên cả nước hiện nay; theo tính toán sơ bộ có khoảng 1,2 triệu người, trong đó giáo viên mầm non khoảng trên 300.000 người.

Ông Đào Ngọc Dung cũng cho hay, mới đây, Bộ GD&ĐT có công văn gửi Bộ LĐTB&XH đề nghị xem xét, bổ sung nghề giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học vào Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ghi nhận đề xuất này, theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cần phải đánh giá một cách đầy đủ. Bản thân giáo dục mầm non có thể có những người làm công việc nặng nhọc độc hại nhưng không phải tất cả giáo viên mầm non đều làm công việc nặng nhọc độc hại. Và, trên thế giới, chưa có một quốc gia nào đưa giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, độc hại. Tuy nhiên, do tính chất công việc khác nên Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đề xuất của Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu ở một thời điểm thích hợp.