Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2024, ngành sư phạm dẫn đầu xu thế

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải ngành kỹ thuật máy tính, công nghệ ô tô hay vi mạch bán dẫn, ngành nghề nổi bật nhất và dẫn đầu xu hướng trong mùa tuyển sinh năm 2024 là sư phạm.

Không phải ngành kỹ thuật máy tính, công nghệ ô tô hay vi mạch bán dẫn, ngành nghề nổi bật nhất và dẫn đầu xu hướng trong mùa tuyển sinh năm 2024 là sư phạm. Với số lượng nguyện vọng đăng ký tăng 85%, sư phạm khẳng định sức hút mạnh mẽ đối với thí sinh và phụ huynh.

Số nguyện vọng đăng ký tăng mạnh

Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố số liệu thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm 2024, dư luận ngạc nhiên trước thông tin, ngành đào tạo giáo viên (sư phạm) lọt tốp 4 ngành nghề thu hút nhiều thí sinh nhất và là ngành có số lượng nguyện vọng tăng cao nhất (tăng 200.000 nguyện vọng) so với năm trước.

Nhiều năm qua, khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên luôn nằm trong tốp 10 lĩnh vực có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất. Năm 2022, 2023, lĩnh vực này có tỷ lệ thí sinh nhập học lần lượt là 5,46% và 5,45%. Năm 2024, tuy hệ thống của bộ đang triển khai quy trình lọc ảo để xác định điểm chuẩn trúng tuyển nhưng với số nguyện vọng đăng ký tăng đến 85% so với năm trước, các chuyên gia dự báo, số thí sinh nhập học ngành sư phạm cũng tăng cao.

Năm 2024, số lượng thí sinh và số lượng nguyện vọng xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh tăng tới hơn 100% so với năm ngoái, từ 15.595 thí sinh với 23.345 nguyện vọng lên 31.252 thí sinh với 51.625 nguyện vọng.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội  trên giảng đường. Ảnh: Phạm Hùng
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội  trên giảng đường. Ảnh: Phạm Hùng

Chia sẻ về số nguyện vọng đăng ký năm nay, TS Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai cho hay, số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành sư phạm của trường tăng gấp 1,5 lần với hơn 5.000 thí sinh đăng ký. Riêng ngành giáo dục mầm non, số thí sinh đăng ký dự thi tăng gấp 3 lần so với năm 2023.

Năm 2024, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 được giao hơn 1.300 chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên. PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo cho hay, tổng số nguyện vọng đăng ký vào các ngành sư phạm của trường gần 32.900, tương đương hơn 22.500 thí sinh đăng ký xét tuyển, tăng gấp đôi so với năm 2023. Năm ngoái, tổng số nguyện vọng đăng ký vào các ngành sư phạm của trường là hơn 16.700, với trên 11.400 thí sinh.

TS Trần Bá Trình - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tiết lộ, năm 2024, trường nhận được khoảng 40.000 nguyện vọng (cho cả ngành đào tạo giáo viên và ngoài sư phạm), tăng tương đương mức trung bình cả nước. Chỉ tính riêng kỳ thi đánh giá năng lực năm nay của trường đã thu hút hơn 11.500 thí sinh dự thi, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2023.

Số thí sinh thi các môn năng khiếu vào trường cũng tăng gấp đôi so với năm trước (hơn 2.000 thí sinh); trong đó, có hơn 1.200 thí sinh dự thi vào ngành giáo dục mầm non, 319 thí sinh dự thi vào ngành sư phạm âm nhạc, 222 thí sinh ngành sư phạm mỹ thuật và 376 dự thi ngành giáo dục thể chất.

Sức hút mang tính bền vững

Lý giải về số nguyện vọng ngành sư phạm tăng cao, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định, sức hút của ngành có tác động bởi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” (Nghị định 116). Theo Nghị định 116, ngoài việc được miễn học phí, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Đồng tình với quan điểm trên, thạc sĩ Lê Phan Quốc - Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh bổ sung một số nguyên nhân của việc nhiều thí sinh lựa chọn ngành sư phạm. Ông cho rằng, thời gian qua, thông tin cả nước đang thiếu giáo viên trầm trọng có thể khiến thí sinh, phụ huynh quan tâm đến đào tạo giáo viên.

Bên cạnh đó, điểm chuẩn các ngành sư phạm ngày càng tăng; điều này khẳng định năng lực và giá trị của người theo học khiến nhiều thí sinh có mức điểm cao có tâm lý muốn đăng ký xét tuyển. Đơn cử, không ít thí sinh đạt thủ khoa các tổ hợp tại kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng chia sẻ nguyện vọng muốn theo học ngành sư phạm.

“Thêm vào đó, thông tin về việc từ 1/7 bắt đầu tăng lương cơ sở đối với người hưởng lương làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có giáo viên. Đây có lẽ cũng là động lực để thí sinh chọn ngành đào tạo giáo viên” - thạc sĩ Lê Phan Quốc nói.

Về phía thí sinh, em Nguyễn Hà Trang, học sinh Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội, bày tỏ, em chọn đăng ký nguyện vọng 1 ngành sư phạm vừa vì yêu thích, vừa vì nhận biết được giá trị và sự bền vững của nghề giáo. Vị thế nhà giáo ngày càng được nâng cao khi sắp tới Luật Nhà giáo được Quốc hội xem xét, thông qua; trong đó có đề xuất mức lương nhà giáo được xếp cao nhất trong mức lương hành chính sự nghiệp.

Trước hoài nghi của dư luận về việc, liệu đổ dồn đăng ký ngành sư phạm năm 2024 chỉ là "hiện tượng và mang tính thời điểm hay không?”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tự tin cho rằng, sư phạm là ngành có sức hút bền vững.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, những năm gần đây, trước những đề xuất của Bộ GD&ĐT, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm hơn đến ngành sư phạm.

Theo đó, có 2 phương diện quan trọng tác động đến sức hút của lĩnh vực này, đó là: chính sách với đội ngũ nhà giáo và giáo sinh (cơ hội việc làm, thu nhập, phúc lợi và tôn vinh); không những vậy, mỗi nhà trường, mỗi giáo viên được quyền phát huy tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của mình để ngành sư phạm khẳng định được vị thế trong xã hội.

Về Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai cho rằng, đây là căn cứ quan trọng để các địa phương và trường sư phạm, ngành giáo dục nâng cao hiệu quả đào tạo và khai thác, sử dụng giáo viên.

Ngoài ra, một số chính sách của Bộ GD&ĐT, Nhà nước như: Khảo sát nhu cầu giáo viên ở các địa phương; từ đó giao chỉ tiêu sát với thực tế đã làm gia tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Theo các chuyên gia, chính sách miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng cho sinh viên sư phạm thể hiện sự chăm lo, đầu tư lâu dài của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo; đồng thời đã tạo sức hút lớn với ngành.

Để sức hút với ngành sư phạm ngày càng bền vững, TS Lê Anh Đức cho rằng, Nhà nước cần sớm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong đặt hàng/đấu thầu/giao nhiệm vụ đào tạo sinh viên sư phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách.

Hiện, Bộ GD&ĐT kiến nghị sửa đổi cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo hướng: vẫn giữ phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm nhưng không bắt buộc các địa phương phải thực hiện, mà tùy theo điều kiện, nhu cầu, địa phương tự đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện đặt hàng.

Điều này nhằm quy định rõ trách nhiệm ngân sách Nhà nước (T.Ư, địa phương) về kinh phí chi trả chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo phân cấp ngân sách (cơ sở đào tạo thuộc bộ, ngành T.Ư thì ngân sách T.Ư đảm bảo kinh phí; cơ sở đào tạo thuộc các địa phương thì địa phương bố trí kinh phí thực hiện), tránh trường hợp các địa phương không bố trí kinh phí thực hiện.

Kiến nghị cũng đảm bảo các sinh viên sư phạm sẽ được chi trả kinh phí theo đúng quy định của Luật Giáo dục 2019, không còn tình trạng không được hưởng hoặc chậm được hưởng chính sách hỗ trợ như hiện nay; giải quyết được nhu cầu đặt hàng của các tỉnh, thành với cơ sở đào tạo ngoài địa phương có chất lượng tốt.