Năm cường quốc hạt nhân: "Chiến tranh hạt nhân sẽ không có bên nào thắng"

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà lãnh đạo của 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân đã đưa ra một tuyên bố chung hôm 3/1 về việc ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và cấm chạy đua vũ trang.

Ảnh: TASS
Ảnh: TASS

Trong tuyên bố, các nhà lãnh đạo cho biết Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp coi việc tránh chiến tranh giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân và giảm thiểu rủi ro chiến lược là trách nhiệm hàng đầu của họ.

Các nhà lãnh đạo cũng khẳng định rằng "một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể mang lại chiến thắng và sẽ không bao giờ được tiến hành".

Họ nhất trí rằng vũ khí hạt nhân "nên phục vụ các mục đích phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lược và ngăn chặn chiến tranh", vì việc sử dụng chúng sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng.

Các quốc gia cũng nhấn mạnh rằng họ tin vào việc cần phải ngăn chặn sự phổ biến rộng rãi hơn nữa các loại vũ khí này, đồng thời viện dẫn rằng họ vẫn cam kết thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Tuyên bố mới nhất được đưa ra sau khi hội nghị đánh giá NPT, được tổ chức 5 năm một lần, nhưng một lần nữa bị hoãn lại. Cuộc họp ban đầu dự kiến ​​sẽ khai mạc vào hôm nay (4/1) tại New York sau khi bị hoãn nhiều lần vào năm ngoái do đại dịch Covid-19. Việc trì hoãn lần này là do sự lây lan của biến thể Omicron.

Được ký kết vào năm 1968, Hiệp ước NPT đã hợp pháp hóa các kho vũ khí hạt nhân của Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp và Mỹ, khi xác nhận tình trạng của chúng.

Các quốc gia khác đồng ý "từ bỏ việc phát triển hoặc mua lại vũ khí hạt nhân". Hiệp ước đã được ký kết bởi hơn 190 quốc gia. Ấn Độ, Pakistan và Israel vẫn nằm ngoài NPT. Vào tháng 1/2003, Triều Tiên rút khỏi hiệp ước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần