Chúc mừng năm mới

Nam Định: các tiểu thương đội mưa rét chuẩn bị cho chợ Viềng

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều tiểu thương đã bất chấp thời tiết mưa rét, tất bật chuẩn bị hàng hóa để phục vụ người dân du xuân tại chợ Viềng, một trong những phiên chợ đầu năm độc đáo ở Nam Định.

Chợ Viềng (xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) ngày 3/2. Ảnh: Lương Hà 
Chợ Viềng (xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) ngày 3/2. Ảnh: Lương Hà 

Chợ Viềng (xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), còn được gọi là chợ Viềng Phủ, diễn ra vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng âm lịch. Theo quan niệm dân gian, phiên chợ này mang ý nghĩa "mua may bán rủi", thu hút đông đảo du khách thập phương.

Ngày 3/2 (tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch), nhiều tiểu thương đã có mặt từ sớm để sắp xếp, bày biện hàng hóa. Ngay từ 6 giờ sáng, đã có rất đông tiểu thương vận chuyển hàng hóa đến đây, ai cũng nhanh chóng chọn cho mình vị trí bán hàng phù hợp. 

Để đối phó với thời tiết khắc nghiệt, nhiều tiểu thương đã dựng bạt, che chắn gian hàng cẩn thận, đảm bảo hàng hóa không bị hư hỏng và thuận tiện cho việc buôn bán.

Chợ Viềng Vụ Bản còn được gọi là chợ Phủ vì gắn liền với Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy - nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh. Người dân đến chợ không chỉ để mua sắm mà còn để vãn cảnh, lễ Mẫu, cầu mong một năm mới bình an, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu.

Theo tương truyền, chợ Viềng Vụ Bản có nguồn gốc từ thời nghĩa quân Quang Trung trên đường trở về Thanh Hóa sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Khi dừng chân tại Phủ Dầy, quân lính đã nhờ dân địa phương sửa sang tư trang, rèn lại vũ khí, đồng thời loan báo tin chiến thắng. Nhân dân trong vùng mang thịt trâu, bò đến khao quân, tổ chức ăn mừng. Kể từ đó, vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng hàng năm, chợ được tổ chức như một cách tưởng nhớ tích xưa.

Sản phẩm bày bán tại chợ cũng vì thế mà đa dạng, phong phú, tạo nên sự nhộn nhịp, náo nhiệt của một phiên chợ đầu xuân, nhưng là phiên chợ đặc biệt, ai có gì mang đến chợ bán để góp vui: cuốc, xẻng, nông cụ cầm tay đến đồ dùng gia đình bằng kim loại; các sản phẩm đồ đồng, đồ bạc của các làng nghề đúc kim loại truyền thống nổi tiếng; các sản phẩm bằng mây tre đan; các loại hoa, cây cảnh, cây thế; các gian hàng đồ cổ, đồ cũ và thực phẩm thịt bò thui - một đặc sản nổi tiếng của huyện Vụ Bản. 

Không chỉ đơn thuần là nơi buôn bán, chợ Viềng còn mang giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc, trở thành điểm đến không thể bỏ qua mỗi dịp đầu năm.