Nam Định đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Kinhtedothi - Thời gian qua, Nam Định đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ công và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Viễn thông và công nghệ: bệ đỡ cho hạ tầng thanh toán số
Trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, tỉnh Nam Định đã có bước tiến dài trong việc phát triển hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt, xem đây là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Nhờ chú trọng đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin, tỉnh đã tạo ra nền tảng vững chắc để triển khai các dịch vụ thanh toán số, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội, thúc đẩy minh bạch tài chính và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh Nam Định đã đầu tư đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin, viễn thông nhằm phục vụ các mục tiêu chuyển đổi số toàn diện. Hiện toàn tỉnh có gần 2.000 trạm BTS, phủ sóng 100% thôn, xóm với dịch vụ băng rộng di động 3G, 4G. Hơn 4.500 điểm cung cấp dịch vụ internet băng rộng đã được thiết lập tại các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế… đảm bảo người dân tiếp cận thuận tiện các nền tảng số và dịch vụ công trực tuyến.
Các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel, Mobifone, FPT đã chuyển dịch từ cung cấp dịch vụ truyền thống sang cung ứng nền tảng số, phần mềm quản trị, logistics và giải pháp công nghệ phục vụ chính quyền và doanh nghiệp. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình số hóa toàn diện trên địa bàn.
Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử và chữ ký số tại Nam Định đã đạt 100%. Khoảng 30% doanh nghiệp triển khai các nền tảng số chuyên sâu như phần mềm kế toán, quản trị nhân sự, quản lý tài chính... giúp tối ưu vận hành và tăng cường minh bạch.
Đặc biệt, nhiều lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, điện, nước… đã tích cực ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Công ty Điện lực Nam Định hiện kết nối với 9 ngân hàng và 9 ví điện tử; Công ty Cổ phần Nước sạch cũng liên kết 6 ngân hàng và 6 ví điện tử để phục vụ thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt. Các huyện, thành phố trên địa bàn đã chỉ đạo chi trả lương, an sinh xã hội và dịch vụ công qua tài khoản ngân hàng.

Nam Định ưu tiên phát triển hạ tầng thanh toán số hiện đại.
Phát triển ngân hàng số, đa dạng hóa phương thức thanh toán
Ngành ngân hàng trên địa bàn đã đầu tư phát triển mạnh mẽ hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ ngân hàng số an toàn, tiện ích. Những phương thức thanh toán hiện đại như mở tài khoản điện tử (eKYC), thanh toán QR Code, thẻ chip không tiếp xúc, sinh trắc học hay mã hóa token đều được triển khai phổ biến.
Hiện toàn tỉnh có 241 máy ATM và 874 POS tại hơn 750 điểm chấp nhận thanh toán thẻ. Doanh số thanh toán thẻ năm 2024 vượt 12.000 tỷ đồng, trong khi 3 tháng đầu năm 2025, doanh số thanh toán số đã đạt hơn 141.000 tỷ đồng - con số cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ trong thói quen thanh toán của người dân.
Số lượng tài khoản ngân hàng đang hoạt động trên địa bàn đã vượt 2 triệu, và chỉ trong quý I/2025, các ngân hàng thương mại cổ phần đã phát hành thêm hơn 789.000 thẻ. Tỷ trọng kinh tế số của tỉnh theo đó đã chiếm khoảng 15% GRDP.
Nam Định hiện cung cấp 100% thủ tục hành chính trực tuyến, với 52,96% dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ hành chính được người dân và doanh nghiệp thực hiện trực tuyến đạt trên 96%, thanh toán trực tuyến đạt gần 90% và tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả đạt khoảng 80%. Đây là những con số minh chứng cho sự chuyển đổi hiệu quả, đúng hướng trong cải cách hành chính và dịch vụ công trực tuyến.
Nam Định hiện đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố cả nước về tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến và cũng là một trong những địa phương dẫn đầu về tỷ lệ số hóa hồ sơ hành chính. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ của tỉnh hiện đạt khoảng 9%, giúp Nam Định đứng thứ 4 cả nước về phát triển thương mại điện tử. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy người dân và doanh nghiệp đã từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng và mua bán theo hướng số hóa.
Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương để nâng cấp hạ tầng thông tin, hạ tầng thanh toán và hạ tầng tín dụng. Các công nghệ hiện đại như AI, Big Data, Cloud, Mobile-Money sẽ được đẩy mạnh ứng dụng, nhất là ở khu vực nông thôn - nơi còn nhiều dư địa để phát triển thanh toán số.
Song song đó, tỉnh sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ năng lực khai thác và vận hành các nền tảng ngân hàng số, từ đó đưa các tiện ích thanh toán hiện đại đến gần hơn với người dân.

Thu phí không dùng tiền mặt là công cụ quản lý hữu hiệu
Kinhtedothi - Việc cấp phép trông giữ xe tạm tại các ô đất trống, đất dự án là rất cần thiết. Nhưng để minh bạch ngay từ đầu, tránh trục lợi từ đất công, thất thoát ngân sách, cần ứng dụng công nghệ thu phí không dùng tiền mặt với những điểm trông giữ tạm này ngay từ đầu.

Quảng Ngãi: thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến
Kinhtedothi- Nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực miền núi, nông thôn tại Quảng Ngãi được triển khai đã góp phần thay đổi thói quen của người dân.
ĐHCĐ MB: Thông qua phương án chia cổ tức “khủng” bằng tiền mặt và cổ phiếu
Kinhtedothi- Trong năm 2025, MB sử dụng gần 21,6 nghìn tỷ đồng chi trả cổ tức, với tổng tỷ lệ lên đến 35% thông qua hai hình thức: 32% bằng cổ phiếu và 3% bằng tiền mặt.