Hiện, tại Nam Định có ngày lên tới trên 1.000 ca mắc Covid-19, để hạn chế người dân tập trung đông, TP Nam Định cũng sẽ tạm đóng cửa đền Trần, không đón tiếp khách trong ngày 14 và 15/2 (tức 14 và 15 tháng Giêng).
Theo đó, các bô lão dòng họ nhà Trần sẽ tổ chức nghi lễ khai ấn vào đêm 14 tháng Giêng để giữ gìn truyền thống nhưng chỉ thực hiện các nghi lễ cơ bản và không mời khách, kể cả lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo TP cũng sẽ không tham dự nghi lễ khai ấn.
Sau ngày 15/2, nhà Đền sẽ thực hiện phát ấn đền Trần đến người dân nhưng phải đảm bảo quy định về phòng, chống dịch Covid – 19.
Liên quan đến việc tổ chức các lễ hội đầu Xuân tại địa bàn, tỉnh Nam Định đã có văn bản về việc không tổ chức các lễ hội mùa Xuân. Trong đó có 2 lễ hội lớn thu hút hàng vạn người đổ về tham dự: Lễ hội chợ Viềng Xuân (tổ chức đêm ngày 7 tháng Giêng) và lễ khai ấn đền Trần (tổ chức ngày 14 tháng Giêng âm lịch).
Bà Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nam Định thì trong 2 ngày 14 và ngày Rằm tháng Giêng này, đền Trần sẽ đóng cửa đền, không đón tiếp khách.
Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh Nam Định không tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần. Nhưng cũng giống như năm 2021, dù không tổ chức lễ hội, nhưng UBND thành phố Nam Định vẫn cho phép nhà đền tổ chức khai ấn nội bộ.
“Trong nội tự, các bô lão dòng họ nhà Trần sẽ vẫn tổ chức nghi lễ khai ấn vào đêm 14 tháng Giêng để giữ gìn truyền thống nhưng chỉ tổ chức nội bộ, thực hiện các nghi lễ cơ bản và không mời khách, kể cả lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố năm nay cũng không tham dự nghi lễ khai ấn”, bà Như thông tin.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nam Định, sau Rằm tháng Giêng, nhà đền sẽ phát ấn đền Trần.
“UBND thành phố đã yêu cầu Ban quản lý di tích đền Trần và nhà đền chuẩn bị khu vực riêng, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch thì mới được triển khai phát ấn đền Trần” - bà Như thông tin thêm.
Trả lời về việc từ sáng 1 Tết Âm lịch đến nay, đền Trần Nam Định vẫn mở cổng và có rất đông người đổ về đi lễ đầu năm, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban quản lý di tích đền Trần cho biết: “Việc đi lễ đền Trần đầu năm đã trở thành một nếp quen văn hoá của người dân Nam Định. Để hạn chế tối đa nguy cơ dịch, hơn 50 cán bộ, nhân viên của Ban quản lý và nhà đền đã chia 2 ca túc trực ngày đêm để nhắc nhở, hỗ trợ người dân, du khách thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy những người đi lễ đền Trần đều tuân thủ rất nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn”.
Theo ước tính của Ban quản lý di tích đền Trần, trong 10 ngày đầu năm âm lịch Nhân Dần, tại đền Trần có tới vài vạn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến đi lễ đầu năm.