Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm dự án cầu đặc biệt quan trọng với đô thị ven sông Hồng

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm tới Hà Nội sẽ tập trung phát triển đô thị dọc theo hai bên bờ sông Hồng, mở rộng đến cả các tỉnh, thành trong Vùng Thủ đô. Thành phố đã xác định ưu tiên đầu tư năm dự án cầu đặc biệt quan trọng, nhằm cụ thể hoá định hướng đó.

Hai mảnh ghép của Vành đai 4

Năm cây cầu được Hà Nội xác định ưu tiên đầu tư trong giai đoạn trước mắt gồm: Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Vân Phúc, Tứ Liên. Đây là những mảnh ghép quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông khung của thành phố, có vai trò kết nối nhiều khu vực đô thị với các Vành đai: 3; 3,5; 4; 5.

Trong đó hai cầu Hồng Hà và Mễ Sở trực tiếp nằm trên lộ trình Vành đai 4, tuyến đường được kỳ vọng rất lớn sẽ là “đường băng” cho Vùng Thủ đô cất cánh.

Vị trí xây dựng cầu Hồng Hà
Vị trí xây dựng cầu Hồng Hà

Cầu Hồng Hà sẽ được xây dựng cách cầu Thăng Long khoảng 11,5km về phía thượng lưu, vị trí dự kiến tại Km43+000 (lý trình đê Hữu Hồng) thuộc địa phận xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.

Sau khi hoàn thành, cầu Hồng Hà sẽ góp phần giảm tải mật độ phương tiện đi qua cầu Thăng Long, rút ngắn thời gian kết nối, tăng cường việc giao thương của phía Tây Hà Nội và các tỉnh tiếp giáp.

Cầu Mễ Sở cũng nằm trên Vành đai 4, bắc qua sông Hồng. Cầu sẽ vượt đê Hữu Hồng trên địa bàn huyện Thường Tín; vượt sông Hồng tại Km57+900; sau đó vượt qua đê Tả Hồng trên địa bàn huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).

Vị trí và hướng tuyến cầu Mễ Sở
Vị trí và hướng tuyến cầu Mễ Sở

Cầu Mễ Sở là gạch nối từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, góp phần giảm phương tiện vào khu vực nội đô Hà Nội; đồng thời tăng cường hiệu quả khai thác của cả 2 tuyến đường; cũng như kéo gần khoảng cách giữa Hà Nội với Hưng Yên.

Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành cho biết: “Cầu Hồng Hà và Mễ Sở nằm trên Vành đai 4, nên sẽ nhanh chóng được đầu tư xây dựng, đồng bộ với tiến độ chung của “đại dự án” Vùng Thủ đô”.

Quy hoạch hướng tuyến và vị trí của cả hai cầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại cuộc họp cuối tháng 10/2022, lãnh đạo thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh đã thống nhất mặt cắt ngang, phương án thiết kế, quy mô và phạm vi giải phóng mặt bằng 2 cầu này.

Khai thông ba hướng tuyến

Lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội chia sẻ, các huyện thuộc khu vực Tây Nam của thành phố như: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hoà... tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hoá ngày càng mạnh mẽ.

Tuy nhiên hệ thống giao thông trong khu vực chủ yếu trông cậy vào một số tuyến đường tỉnh, đường huyện xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Kết nối giao thông qua sông Hồng chủ yếu tập trung theo hướng cầu Thăng Long đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai và theo cầu Vĩnh Thịnh đi QL2C.

Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô và Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa phận xã Vân Phúc huyện Phúc Thọ có bố trí một cầu vượt sông Hồng kết nối đường trục Bắc - Nam với đường Vành đai 5 tỉnh Vĩnh Phúc.

Vị trí xây dựng cầu Vân Phúc
Vị trí xây dựng cầu Vân Phúc

Cầu Vân Phúc sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực, mở thêm một tuyến giao thông kết nối giữa tỉnh Vĩnh Phúc với thành phố Hà Nội qua sông Hồng.

Dự kiến cầu Vân Phúc có Điểm đầu tại vị trí giao cắt với QL32, thuộc địa phận xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; Điểm cuối tại ranh giới với tỉnh Vĩnh Phúc (thuộc địa phận huyện Yên Lạc), khớp nối với Dự án tuyến giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc do tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư.

Cầu Thượng Cát nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5 sẽ mở ra một hướng phát triển mới cho cửa ngõ phía Tây Bắc Hà Nội. Với cầu Thượng Cát, Vành đai 3,5 sẽ góp phần giảm tải lưu lượng giao thông cho Vành đai 3 trong tương lai; tạo “trục lõi” để phát triển đô thị phía Tây Hà Nội; đảm bảo điều kiện hạ tầng GTVT phục vụ chuỗi khu công nghiệp, đô thị dọc tuyến đường trong tương lai.

Vị trí xây dựng cầu Thượng Cát
Vị trí xây dựng cầu Thượng Cát

Cầu Thượng Cát có Điểm đầu khớp nối với Dự án đường Vành đai 3,5; Điểm cuối tại nút giao với đường khu công nghiệp Bắc Thăng Long, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh.

Cây cầu có ý nghĩa đặc biệt, mở ra hướng phát triển mới cho đô thị hoá, công nghiệp hoá trên địa bàn các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức; quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm.

Ông Phan Trường Thành cho biết, Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội được Thủ tướng chính phủ phê duyệt đã xác định, khu đô thị Đông Anh sẽ phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Tuy nhiên, hiện việc phát triển theo hướng đô thị hóa ở khu vực phía Bắc sông Hồng đang gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống giao thông kết nối với trung tâm Hà Nội và khu vực lân cận không thuận lợi, chủ yếu thông qua cầu Thăng Long, cầu Đuống cũ.

Do đó việc đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn đến đường Vành đai 3 là hết sức cần thiết. Dự án này sau khi hoàn thành sẽ kết nối nhanh khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng, tỉnh Thái Nguyên (thông qua cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) với đô thị lõi, mở ra hướng kết nối mới, giảm tải cho cầu: Chương Dương, Long Biên; và Thăng Long.

Điểm đầu cầu Tứ Liên sẽ kết nối với đường Nghi Tàm và đường quy hoạch dọc đê Hữu Hồng (Quận Tây Hồ); Điểm cuối tại nút giao với đường Vành đai 3 và cao tốc Hà Nội Thái Nguyên (huyện Đông Anh).