Kế hoạch sửa chữa sớm
Qua khảo sát một số trường trên địa bàn quận, huyện Đống Đa, Hà Đông, Thanh Trì, Quốc Oai, Thanh Xuân, Mê Linh,… cho thấy, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2017 – 2018 được các địa phương và nhà trường lên kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, thay thiết bị đường điện, nước từ sớm, ngay sau khi HS nghỉ hè.
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai – Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên (Đống Đa) cho biết, đã có kế hoạch sửa chữa nhỏ, vệ sinh trường lớp ngay từ giữa tháng 6. Bên cạnh đó, nhà trường cũng trang hoàng lớp học, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, tạo điều kiện tốt nhất để đón HS vào năm học mới. “Trường phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng GV. Đặc biệt, đối với các con lớp 1, lần đầu tiên bước chân vào môi trường mới, sẽ nhiều bỡ ngỡ, để chào đón các con, trường chuẩn bị các tiết mục múa, hát, cờ hoa... nhằm tạo được không khí vui tươi, thân thiện nhất với các con” – bà Mai chia sẻ. Cùng với các trường, công tác chuẩn bị cho năm học mới cũng được trường Tiểu học Lê Lợi (Hà Đông) chú trọng. Lãnh đạo trường này cho biết, trường đã hoàn thành việc sửa chữa, thay thiết bị các nhà vệ sinh, cửa sổ, cửa lớp,… từ giữa tháng 7.
Học ở... nhà văn hóa thôn
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực cải tạo, sửa chữa nâng cấp các phòng học, một số quận huyện của Hà Nội vẫn phải đối mặt với những khó khăn: Thiếu trường, lớp, cơ sở vật chất xuống cấp, HS vẫn phải học nhờ, tạm nhà kho, nhà văn hóa thôn.
Ông Đặng Văn Viện - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức cho biết, huyện còn thiếu 91 phòng học, 51 phòng học cấp 4 xuống cấp, 64 phòng học tạm mượn. “Hiện huyện còn nhiều lớp học mượn dãy nhà kho, nhà văn hóa. Kinh phí xây dựng, sửa chữa của huyện nhiều khó khăn, rất mong Sở GD&ĐT tham mưu TP tiếp tục có kế hoạch xóa phòng học xuống cấp, tạm bợ và có cơ chế đặc thù cho huyện” – ông Viện kiến nghị. Tương tự, trên địa bàn huyện Ba Vì cũng còn 72 lớp học mượn phòng trong nhà trường, 21 phòng mượn ngoài nhà trường ở các điểm dân cư, nhà văn hóa thôn.
Việc phải dùng phòng chức năng làm phòng học cũng xảy ra tại trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì). Bà Hoàng Thị Thu Hà – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sĩ số HS toàn trường gần 2.000 HS nhưng cả trường chỉ có 39 lớp học. “HS tăng quá nhanh khiến sĩ số trên 1 lớp đông, một số phòng chức năng đã phải sử dụng để làm phòng học. Để giải quyết tình trạng này, rất mong UBND huyện xây dựng thêm 1 trường tiểu học trên địa bàn xã Tả Thanh Oai để giảm sĩ số HS/trường/lớp, đảm bảo sĩ số HS/lớp theo đúng điều lệ trường tiểu học” – bà Hà đề xuất.
Nỗi lo từ những lớp học tạm bợ
Không thiếu phòng học, nhưng HS phải học trong môi trường không an toàn, nguy cơ sập trần, điện giật có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đó là nguy cơ mà HS trường Tiểu học Tự Lập A (Mê Linh) đang phải đối mặt. Chia sẻ với phóng viên, cô Vũ Thị Thủy – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học trước, để đáp ứng yêu cầu về phòng học, đảm bảo sự an toàn cho HS, nhà trường đã huy động từ nguồn xã hội hóa để tu sửa lại lớp học cũ, lắp đặt sửa chữa cửa sổ, cửa lớp học, nhà vệ sinh... nhưng cũng chỉ tạm bợ, không an toàn. “Năm học 2017 – 2018 này, HS vẫn phải học trong môi trường vô cùng nguy hiểm, trần nhà rạn nứt, mưa nhỏ cũng thấm dột, nước chảy tong tong chứ chưa nói đến những hôm trời mưa bão. Mưa, tường ẩm ướt khiến đường điện liên tục chập cháy, nguy cơ HS bị điện giật có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vô cùng nguy hiểm” – cô Thủy chia sẻ. Cô Thủy cũng cho biết, ngay từ đầu năm học trước (2016 – 2017), trường đã có đơn “kêu cứu” tới UBND huyện và cũng đã được UBND huyện phê duyệt xây dựng trường mới, “Tuy nhiên, sau một năm, đến nay chưa có động tĩnh gì. HS, giáo viên vẫn tiếp tục phải học trong môi trường quá nguy hiểm. Qua khai giảng (5/9), nếu chưa được khởi công xây dựng, chúng tôi sẽ tiếp tục viết đơn kiến nghị lên UBND huyện” - cô Thủy cho biết.
Tận mắt chứng kiến mới thấy được sự nguy hiểm mà thầy và trò trường Tiểu học Tự Lập A phải đối mặt, sân trường ẩm thấp, trũng, mưa nhỏ cũng ngập thành vũng, phòng học nứt nẻ, loang lổ rêu đen… “Thấp thỏm và mong chờ từng ngày, từng giờ của cả thầy và trò là sớm được xây dựng một ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp để HS được học trong một môi trường an toàn” – Hiệu trưởng Vũ Thị Thủy mong mỏi.