Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nam Hồng - về đích vẫn chưa hết lo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 3/2014, Đảng bộ và Nhân dân xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) vui mừng đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2013.

Tuy nhiên, việc duy trì, phát huy các tiêu chí đã đạt được đang là bài toán khá nan giải đối với địa phương.

Với địa thế đồng đất màu mỡ, người dân xã Nam Hồng nhiều năm qua tập trung phát triển cây rau màu. Toàn xã hiện có trên 60ha trồng các loại rau cung cấp cho thị trường Hà Nội.
An toàn lưới điện đang trở thành nỗi lo của người dân xã Nam Hồng.
An toàn lưới điện đang trở thành nỗi lo của người dân xã Nam Hồng.
Việc nằm ven đường Võ Văn Kiệt (đường Bắc Thăng Long - Nội Bài trước đây) giúp cho việc tiêu thụ nông sản có phần thuận lợi. Không chỉ vậy, Nam Hồng còn được Sở NN&PTNT hỗ trợ dự án trồng rau an toàn theo chương trình QSEAP (vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á). Bên cạnh cây rau mang lại thu nhập khá, chăn nuôi của Nam Hồng cũng phát huy hiệu quả. Tính đến tháng 7/2015, tổng đàn lợn của xã là 1.560 con; đàn trâu, bò: 160 con; đàn gia cầm: 28.500 con... Tổng sản lượng thịt hơi ước đạt 1.623 tấn, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2014.

Hiệu quả kinh tế trên có được trước tiên là nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương. Ông Nguyễn Tiến Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng cho biết, thời gian qua, xã chỉ đạo các HTX nông nghiệp tiếp nhận các giống cây trồng do huyện hỗ trợ 40% giá; tiếp nhận và cấp phát thuốc thú y, bảo vệ thực vật do huyện hỗ trợ kinh phí. Đồng thời, tổ chức các đợt diệt chuột bảo vệ mùa màng cho nông dân; nạo vét trên 15.000m3 kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các HTX còn làm tốt công tác quản lý, khai thác và nhân rộng 20 mô hình trang trại mang lại giá trị kinh tế cao…

Kinh tế tăng trưởng khá, hạ tầng ngày một đồng bộ, đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Nam Hồng đạt gần 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,6%. Tuy nhiên, không phải vậy mà người dân xã Nam Hồng đã hết những nỗi lo. Ông Phạm Quang Dộc (thôn Vệ) cho biết, hệ thống điện lưới đang là nỗi lo đối với người dân nơi đây, bởi đang xuống cấp nghiêm trọng. Dây diện giăng, mắc thường võng xuống sát mặt đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng có chỗ, có nơi còn chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho việc đi lại và sản xuất của người dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Hồng Phạm Thanh Phương cho biết thêm, 4 thôn và khu Cầu Lớn hiện đã có nhà văn hóa khang trang rộng đẹp, tuy nhiên, nhà văn hóa chung của xã lại chưa đạt chuẩn và trong nhiều sự kiện không đủ công năng phục vụ các hoạt động văn hóa - chính trị - xã hội của địa phương. Tiêu chí trường học trước đây đã đạt chuẩn, nhưng nay đánh giá theo tiêu chí mới của Sở GD&ĐT lại… chưa đạt. Đây là những vấn đề mà cán bộ và Nhân dân xã Nam Hồng đang rất quan tâm.

Trước những khó khăn trên, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng Nguyễn Tiến Đức cho biết, xã đang tích cực triển khai các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường trục xóm ngõ, trục chính giao thông nội đồng, kênh mương cấp 3 theo kế hoạch đã được huyện phê duyệt. Xã cũng kiến nghị Công ty Điện lực Đông Anh sớm sửa chữa lưới điện ven khu đồng thôn Đìa, thôn Vệ. Đối với các tiêu chí trường mầm non và nhà văn hóa, xã đang đề xuất huyện hỗ trợ đầu tư, phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2016. Ông Đức cũng nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng trong xây dựng NTM vẫn là nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các dự án hỗ trợ phát triển, với định hướng đưa Nam Hồng trở thành xã thương mại - dịch vụ, gắn với du lịch sinh thái trong tương lai.