KTĐT - Năm nhân tố đó là phát triển nguồn nhân lực bền vững; tăng cường tài trợ phát triển; tăng cường không gian chính sách; cải tổ khu vực tài chính; quản trị tốt nền kinh tế toàn cầu.
Ngày 27/4, bà Helen Clark, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Quản trị trưởng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chủ tịch Nhóm các cơ quan phát triển của Liên hợp quốc đã nhấn mạnh các nền kinh tế thế giới cần thúc đẩy năm nhân tố chủ chốt, để đảm bảo nền kinh tế thế giới phục hồi và tăng trưởng bền vững sau khủng hoảng.
Năm nhân tố đó là phát triển nguồn nhân lực bền vững; tăng cường tài trợ phát triển; tăng cường không gian chính sách; cải tổ khu vực tài chính; quản trị tốt nền kinh tế toàn cầu.
Bà Helen Clark cho rằng trong bối cảnh tiến trình này vẫn bị đe dọa bởi nhiều thách thức nghiêm trọng, phát triển nguồn nhân lực bền vững là nhằm đảm bảo phục hồi kinh tế trên phạm vi toàn cầu, tạo việc làm và hỗ trợ phát triển bền vững.
Các nước đang phát triển cần sự hỗ trợ để tiếp cận các công nghệ “xanh” thích hợp cũng như nguồn tài chính để triển khai và phát triển các công nghệ này. Nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) vẫn là nguồn tài chính quan trọng đối với nhiều nước đang phát triển nghèo nhất.
Tuy nhiên, cho đến nay, các nguồn ODA vẫn chưa được huy động đủ để đáp ứng các nhu cầu phát triển của thế giới. Vì vậy, các cơ chế tài chính cần được đổi mới để vừa tăng các nguồn tài chính cho phát triển vừa bổ sung nguồn ODA.
Chủ tịch Nhóm các cơ quan phát triển của Liên hợp quốc cũng lưu ý rằng bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chỉ rõ cần tăng cường không gian chính sách kinh tế. Các nước đang phát triển cần không gian chính sách rộng lớn hơn để khai phá con đường phát triển riêng của mỗi nước. Khủng hoảng bắt nguồn một phần từ thất bại của chính sách kinh tế vĩ mô, thiếu các quy chế tài chính và hệ thống giám sát toàn cầu hiệu quả.
Những yếu kém trong hệ thống tài chính quốc tế cũng là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến khủng hoảng. Cải tiến các quy chế tài chính quốc tế có thể làm giảm các rủi ro tài chính và biến động bất lợi của dòng vốn. Mục tiêu dài hạn của cải tổ hệ thống tài chính quốc tế là tiến tới chế độ dự trữ quốc tế ổn định, đa dạng và cân bằng hơn.
Bà Helen Clark nhấn mạnh Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đang nỗ lực thúc đẩy cộng đồng quốc tế tăng cường khả năng quản trị nền kinh tế toàn cầu. Cộng đồng quốc tế đã thỏa thuận nhu cầu cải tổ các thể chế tài chính quốc tế để các thể chế này có thể phục vụ tốt hơn nền kinh tế của các nước thành viên. Vì các nước đang phát triển hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu, họ phải được đại diện công bằng trong các hệ thống quản trị toàn cầu./.