Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nam Từ Liêm công khai nguồn gốc thực phẩm để quản chặt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người kinh doanh thực phẩm phải treo biển hiệu, niêm yết công khai nguồn gốc thực phẩm bán trong ngày… là “sáng kiến” mà UBND quận Nam Từ Liêm đang triển khai để “quản” chặt hơn vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ dân sinh.

Giải pháp này giúp người mua hàng yên tâm hơn, tăng trách nhiệm của người bán và giúp cơ quan chức năng quản lý tốt nguồn gốc thực phẩm.

Niêm yết rõ nguồn gốc, xuất xứ

Là chợ đầu mối dân sinh lớn với hàng trăm hộ kinh doanh, buôn bán, chợ Phùng Khoang được coi là “điểm nóng” về việc kiểm soát ATTP. Từ đầu tháng 5/2016, thực hiện chỉ đạo của UBND quận Nam Từ Liêm, Ban quản lý chợ Phùng Khoang đã yêu cầu các hộ kinh doanh thực hiện việc treo biển hiệu ghi rõ các thông tin cụ thể như tên cửa hàng, địa chỉ, số điện thoại… Các hộ kinh doanh cũng phải thực hiện việc niêm yết công khai nguồn gốc hàng hóa được kinh doanh trong ngày đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thịt, rau và các sản phẩm có số lượng nhiều. “Chúng tôi yêu cầu các hộ ghi rõ các thông tin như sản phẩm thịt lấy từ đâu, chợ đầu mối hay lò mổ nào, số điện thoại của người cung cấp… Những thông tin này giúp người mua yên tâm với nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm. Người bán cũng có trách nhiệm hơn. Và việc kiểm tra, quản lý cũng thuận lợi hơn. Với Ban quản lý chợ, chúng tôi lập sổ theo dõi nguồn gốc hàng hóa hàng ngày” - ông Nguyễn Bá Doang - Phó Trưởng Ban quản lý chợ Phùng Khoang cho biết. Ngoài ra, thời gian qua, Ban quản lý chợ Phùng Khoang cũng tiến hành nhiều giải pháp tăng cường quản lý ATTP như xây dựng lại nội quy của chợ, sắp xếp lại ngành hàng, điểm kinh doanh, tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh, tập huấn, khám sức khỏe định kỳ…
Chị Đào Thị Lợi (ki ốt 102 - Trung tâm thương mại Trung Văn) ghi các thông tin về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại quán bún của mình. Ảnh: Nha Trang
Chị Đào Thị Lợi (ki ốt 102 - Trung tâm thương mại Trung Văn) ghi các thông tin về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại quán bún của mình. Ảnh: Nha Trang
Chợ Phùng Khoang là một trong 9 chợ dân sinh và một trung tâm thương mại trên địa bàn Nam Từ Liêm triển khai "sáng kiến" trên. Theo Quyết định số 733/UBND-KT ngày 5/5/2016 về việc đảm bảo ATTP tại các chợ trên địa bàn, UBND quận Nam Từ Liêm đã yêu cầu ban quản lý các chợ thực hiện việc lắp đặt biển hiệu cho từng gian hàng, ki ốt; Đồng thời yêu cầu và hướng dẫn các hộ kinh doanh thực hiện việc niêm yết công khai nguồn gốc hàng hóa được kinh doanh trong ngày đối với mặt hàng thực phẩm cho từng cửa hàng, ki ốt.

Các giải pháp quản từ gốc này đang được người mua hàng đón nhận tích cực. Chị Hồ Nghĩa (Khu đô thị Xa La - Hà Đông) cho biết, dù nhà ở xa nhưng sáng nào chị cũng ghé qua quán bún của chị Đào Thị Lợi (ki ốt 102 - Trung tâm thương mại Trung Văn) ăn bún ốc, bún cua. “Trước đây, tôi chọn quán này vì là quán quen, tươi ngon. Đợt này, sáng nào chủ quán cũng công khai các thông tin như bún lấy ở đâu, cua, bò ốc nhập ở đâu, số điện thoại người bán…, cũng thấy yên tâm hơn vì rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây là một giải pháp hay, giúp người bán có trách nhiệm hơn và việc kiểm soát ATTP cũng thuận lợi hơn” - chị Nghĩa chia sẻ.

Ý thức người kinh doanh tăng

Sau hàng loạt giải pháp được UBND quận Nam Từ Liêm triển khai nhằm tăng cường đảm bảo ATTP, ông Nguyễn Đức Quang - Trưởng Ban quản lý chợ Nam Từ Liêm cho biết, ý thức của người kinh doanh tăng lên. Đơn cử, thời gian qua, nhiều buổi tập huấn về ATTP đã không đủ chỗ cho người kinh doanh ngồi. “Tại chợ Phùng Khoang hay Trung tâm thương mại Trung Văn, mỗi lần tổ chức tập huấn, hội trường chỉ chứa được gần 400 người nhưng số người đến nghe tăng gấp 1,5 lần. Nhiều người không còn chỗ phải chờ đợt sau” - ông Quang cho biết.

Nhiều hoạt động truyền thông phong phú như tổ chức hơn 20 buổi tập huấn, nói chuyện với hơn 1.000 người tham gia; tuyên truyền trên loa phát thanh chợ, phường và các phương tiện truyền thông đại chúng… đã được triển khai nhằm nâng cao ý thức của người dân. Đặc biệt, ban quản lý chợ cũng thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh buôn bán của các hộ tại chợ. Cụ thể, tại các chợ, ban quản lý cử riêng 1- 2 cán bộ kiểm tra đột xuất nhiều lần hàng ngày và có test thử các mẫu hàng hóa xem có đảm bảo VSATTP không.