Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nan giải xử lý xe quá khổ, quá tải khu vực giáp ranh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chân tập đoàn xe quá khổ, quá tải đêm đêm xâm nhập nội thành Hà Nội, chúng tôi tìm đến tận những khu mỏ xa xôi nơi giáp ranh giữa Hà Nội và tỉnh Hòa Bình.

Đến rồi mới hiểu vì sao việc xử lý dứt điểm nạn cơi nới thành thùng, chở quá tải tại đây lại khó khăn đến thế.

Bài 1:  Sống chung với “xe thổ phỉ”

Khu vực giáp ranh giữa 2 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Nội) với huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) trải dài theo tuyến QL21 - đường Hồ Chí Minh trong hình thế cài răng lược với rất nhiều đường ngang, ngõ tắt đan xen phức tạp đang gây ra vô vàn khó khăn cho việc kiểm soát, xử lý xe quá khổ, quá tải.

Những ngôi nhà di động

Theo khảo sát của chúng tôi, dọc theo trục QL21 - đường Hồ Chí Minh hiện đang tồn tại hàng chục mỏ đá lớn - điểm bắt đầu của những tập đoàn xe quá khổ, quá tải mà người dân Sơn Tây, Chương Mỹ mệnh danh là “xe thổ phỉ”. “Xe thổ phỉ” hầu hết là xe tải ben Trung Quốc, nhãn hiệu phổ biến có Howo, Dongfeng, Shacman, Cuulong… chuyên chở đất, đá từ các mỏ Cư Yên, Long Đạt, Mỹ Thành… từ Chương Mỹ theo đường Hồ Chí Minh, vượt nút giao Đại lộ Thăng Long, qua QL21 đến xếp hàng xuống cảng Sơn Tây hoặc men theo QL32, QL6 về trung tâm Hà Nội. Hướng ngược lại, các xe chở cát từ cảng Sơn Tây, một số bến cát ven sông khu vực Đan Phượng theo lộ trình QL32 - QL21 - đường Hồ Chí Minh hoặc QL6 tập kết về nội thành và các công trình xây dựng dọc trên tuyến.
Cầu Vai Réo, một trong hàng loạt cầu nhỏ đang xuống cấp nghiêm trọng do xe quá khổ, quá tải dày xéo.
Cầu Vai Réo, một trong hàng loạt cầu nhỏ đang xuống cấp nghiêm trọng do xe quá khổ, quá tải dày xéo.
Trong hàng loạt tập đoàn “xe thổ phỉ”, chúng tôi ghi nhận được sự vượt trội cả về số lượng và mức độ vi phạm của những thương hiệu: Nam Cường, CP Ba Vì, Đồng Lợi, Phương Thành… với những chiếc Howo A1, 371, 375, Shacman… loại 3, 4 hoặc 6 chân. Nhìn những chiếc xe này đi trên đường giống như thấy những ngôi nhà di động, cao to khủng khiếp và lượng hàng hóa chất ngất trên thành thùng luôn vượt xa kích cỡ tiêu chuẩn dễ khiến người đi bên cạnh nảy sinh cảm giác sợ hãi mà tránh xa. Không chỉ tự ý cơi nới thành thùng, chở quá tải, các xe này còn thường xuyên “bỏ quên” thao tác che đậy hàng hóa, đi đến đâu đá dăm, đất, cát rải thảm đến đấy gây ô nhiễm, mất VSMT trên cả tuyến đường dài vài chục cây số. Một công nhân Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai than thở: “Đất đá rơi vãi vô tội vạ, quét cả ngày không hết. Khổ nhất là quét đá vụn, vừa nặng vừa phân tán, làm một công mệt bằng ba công”.

Tàn phá hạ tầng

Từ khu vực giáp ranh giữa Chương Mỹ (Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình) đi sang Sơn Tây, có ít nhất 7 cây cầu đã xuống cấp, 2 cây cầu vừa được sửa chữa và nhiều đoạn đường đang hằn lún nghiêm trọng dưới bánh xe quá tải. Trong nhiều tuần theo chân “xe thổ phỉ”, chúng tôi không khỏi xót xa mỗi khi chứng kiến cảnh bánh xe quá khổ, quá tải nghiến qua mặt cầu Khe Hàng, cầu Cửa Đầm khiến tấm tôn lót tạm trên mặt cầu bật tung, rền rĩ. Toàn bộ bề mặt cầu Cời, cầu Vai Bò loang lổ đá dăm, bụi giăng mù mịt, nhiều đoạn trên tuyến đường Hồ Chí Minh, QL21 đi qua Chương Mỹ, Sơn Tây, mặt đường gồ ghề, chi chít xương cá. Đặc biệt, 2 cây cầu Đồng Mô, Hòa Lạc (Sơn Tây), ngay trong thời gian sửa chữa, dù đã cắm biển cấm xe tải trọng trên 15 tấn đi qua từ rất xa nhưng không ngăn nổi hàng đoàn xe tải trọng đến vài chục tấn diễu qua mỗi ngày, thậm chí công nhân sửa cầu bên này, xe quá tải ồ ạt qua bên kia.

Không chỉ đường QL, cầu lớn, nhiều tuyến tỉnh lộ, đường liên xã cũng trở thành nạn nhân dưới bánh xe quá tải. Để né trạm cân tại ngã ba Nam Sơn (Chương Mỹ) cũng như các chốt kiểm soát của Đội CSGT số 12 - Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, đa số xe quá tải chọn đi vòng dưới chân núi Sáo, men theo 2 cánh cung đường liên xã, một ra theo hướng ngã ba Xuân Thủy (Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ), một ra theo hướng ngã ba Long Phú (Quốc Oai). Bất chấp những con đường này chật chội, lồi lõm, bất chấp gây mất ATGT, đe dọa tính mạng người dân, xe quá khổ, quá tải vẫn nườm nượp đêm ngày cày xới đường quê. Chuyên viên Phòng Quản lý đô thị huyện Chương Mỹ Lê Tất Đào cho biết: “Lợi dụng các đường tỉnh lộ, đường liên xã thường thiếu lực lượng tuần tra, kiểm soát, hầu hết các xe tải tìm cách đi tránh qua đây gây hư hỏng hạ tầng, mất trật tự, ATGT khu vực. Vấn đề này đang ngày càng gây bức xúc cho Nhân dân địa phương”.
(còn nữa)