Nâng cao chất lượng công vụ, tạo thêm đột phá
Kinhtedothi - Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phương châm “trên trước, dưới sau”; “trong trước, ngoài sau”, đề cao trách nhiệm nêu gương tự giác học trước, làm theo trước của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, cán bộ, đảng viên đã tạo ra hiệu quả trong thực tiễn.
Quyết liệt đổi mới tư duy hành động
Tại Hà Nội, hiện nhiều cơ quan đã triển khai các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong thực thi công vụ. Đồng thời, xác định tiêu chí, lấy sự hài lòng của người dân làm “thước đo” kết quả công việc, triển khai các giải pháp cụ thể để thường xuyên lắng nghe ý kiến người dân, làm cơ sở đổi mới toàn diện phương thức cung cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Điển hình của việc học và làm theo tư tưởng của Bác gắn với trách nhiệm công vụ là thời gian qua, các sở, ngành đã chọn cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN làm trọng tâm. Tại nhiều đơn vị đã lựa chọn và xác định khâu đột phá trong triển khai thực hiện phù hợp thực tế, yêu cầu nhiệm vụ. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, có tác dụng lan tỏa mạnh mẽ; tạo sức bật mới trong cải tiến lề lối, phong cách và phương pháp làm việc; xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức "trách nhiệm, gương mẫu, thân thiện, sâu sát cơ sở".

Người dân làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, chi nhánh quận Cầu Giấy. Ảnh: Hải Linh
Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư (PAR Index) vừa được Bộ Nội vụ công bố, Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3/63 tỉnh, TP; kết quả Chỉ số Hài lòng (SIPAS) năm 2024 xếp thứ 11/63 tỉnh, TP, tăng 10 bậc so với năm trước. Đây là con số minh chứng rất rõ cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ, triển khai nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, thiết thực trong công tác cải cách hành chính của TP, qua đó, tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình. Đặc biệt, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục được giám sát, kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống phần mềm nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
Các kênh để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính cũng được mở rộng, đa dạng, để người dân liên hệ, phản ánh khi gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Như tổng kết, năm 2024, TP đã tiếp nhận, xử lý theo quy định đối với 5.248 phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính qua đường dây nóng, Zalo, địa chỉ hộp thư điện tử và trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, TP cũng tăng cường chỉ đạo nâng cao thái độ ứng xử, đạo đức công vụ của công chức, đề cao tính chuyên nghiệp, sự phục vụ đối với người dân, tổ chức. Đặc biệt, nhằm đổi mới toàn diện, triệt để mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “một cửa”, việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính, TP Hà Nội đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP - đóng vai trò là cầu nối giữa cơ quan Nhà nước và người dân, DN. Đến nay, Trung tâm đã triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, hướng tới việc tái định nghĩa phương thức phục vụ của chính quyền đối với người dân, lấy công nghệ làm nền tảng và lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo.
Thúc đẩy sự phát triển
Hiện cùng với thực hiện chủ trương của T.Ư về sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, cùng với cả nước, TP Hà Nội đang tăng tốc để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu đưa GRDP tăng trưởng 8% trở lên, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển đột phá 2026 - 2030. Đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất của các cấp, các ngành và cộng đồng DN, người dân.
Tinh thần chủ động, sáng tạo từ TP lan tỏa mạnh xuống cơ sở vẫn sẽ là “công thức” để các đơn vị huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự giác của mỗi cán bộ, công chức ở cơ sở vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Đồng thời, việc thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2025 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” tiếp tục đề cao, thúc đẩy vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị TP sẽ tạo thêm những bước chuyển tích cực về chất lượng, đột phá mới trong nền công vụ phục vụ và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó, TP đang tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa dữ liệu trong công tác điều hành, giải quyết công vụ. TP cũng tiếp tục thực hiện tiêu chí đánh giá, lượng hóa kết quả học và làm theo Bác gắn với thực hiện nhiệm vụ của cá nhân; tạo môi trường sáng tạo, đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng địa phương, đơn vị. Đây cũng chính là những việc cụ thể minh chứng rõ nét của việc chuyển từ nhận thức sang hành động trong học và làm theo tinh thần tư tưởng của Bác về nâng cao trách nhiệm công vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân và tạo thêm đột phá mới trong phát triển.

Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm hàng đầu châu Á
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 663/QĐ-TTg ngày 25/3/2025 phê duyệt Đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á (Đề án).

Yêu cầu điều tra làm rõ vụ “hành hung bác sĩ” tại tỉnh Gia Lai
Kinhtedothi - Ngày 2/4, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (KCB), Bộ Y tế đã có Công văn số 414/KCB - QLCL&CĐT gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai về việc tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự trong cơ sở KCB.

Bộ Y tế đề xuất tăng tiền phụ cấp của y bác sĩ gấp 3 lần
Kinhtedothi - Hiện nay, các mức phụ cấp cho y bác sĩ được áp dụng quá thấp và không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống hiện tại. Do đó, Bộ Y tế đề xuất tăng tiền phụ cấp mổ, trực cho nhân viên y tế gấp 2 - 3 lần.