Nâng cao chất lượng giảng dạy nhờ nghiên cứu khoa học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vai trò của nghiên cứu khoa học (NCKH) trong giáo dục đại học được xem là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh – một trong những trường được Chính phủ chọn xây dựng thành đại học trọng điểm, có thế mạnh về NCKH.

Thưa GS, mới đây, ông đã được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn GS chuyên ngành Vật lý. Xin GS chia sẻ đôi điều về thành công này?

- Cũng như các nhà khoa học khác, để được công nhận chức danh GS, PGS là một quá trình phấn đấu lâu dài, bền bỉ của bản thân tôi cùng với sự cộng tác tích cực, hiệu quả của các đồng nghiệp, học trò. Trong đó, có 2 nhiệm vụ quan trọng: NCKH và tổ chức NCKH; đồng thời, phải tham gia đào tạo, hướng dẫn các bậc đại học và sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ).

Với 33 năm công tác tại Đại học Vinh, tôi đã liên tục tham gia công tác giảng dạy, NCKH, tạo lập và phát triển được nhóm nghiên cứu chuyên sâu về Quang học - Quang phổ. Nhóm chúng tôi có quan hệ hợp tác rất hiệu quả với các viện nghiên cứu và các trường đại học trong nước và nước ngoài như Ba Lan, Mỹ, Đức…; từ đó, đào tạo được số lượng đáng kể các cán bộ nghiên cứu trẻ có năng lực. Các kết quả NCKH của nhóm công bố trên các tạp chí khoa học đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước ghi nhận và đánh giá cao.

 
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giấy chứng nhận chức danh GS cho Hiệu trưởng Đại học Vinh - Đinh Xuân Khoa hôm 4/2.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giấy chứng nhận chức danh GS cho Hiệu trưởng Đại học Vinh - Đinh Xuân Khoa hôm 4/2.
Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy và NCKH tại Đại học Vinh diễn ra thế nào, thưa GS?

- Tiền thân là trường đại học sư phạm, do đó thế mạnh truyền thống của Đại học Vinh tập trung vào 2 lĩnh vực chính: NCKH cơ bản và khoa học giáo dục. Bên cạnh việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội, việc định hướng đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy trẻ đã được lãnh đạo nhà trường đặc biệt quan tâm.

Cùng với đó, việc hình thành các nhóm NCKH không chỉ góp phần khẳng định vị thế của nhà trường, mà còn là chiếc nôi đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng các gương mặt cán bộ khoa học trẻ tiềm năng cung cấp cho các trường đại học, viện nghiên cứu. Nhà trường có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực nhằm động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cán bộ trẻ có cơ hội học tập nâng cao trình độ.

Cụ thể, chính sách tạo điều kiện để cán bộ đi học tập nghiên cứu ở nước ngoài, khen thưởng các kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và các công trình xuất sắc khác; chính sách hỗ trợ học tiếng Anh đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu vào của các học bổng du học, khuyến khích thành lập và hỗ trợ tích cực cho các nhóm nghiên cứu chuyên sâu. Cùng với sự giúp đỡ từ các dự án của Bộ Giáo dục & Đào tạo như đề án 322 và 911, Hiệp định của Chính phủ, hợp tác của nhà trường…, đến nay nhiều cán bộ trẻ của nhà trường đã và đang được đào tạo bài bản tại các cơ sở nước ngoài.

Vậy, thế mạnh trong NCKH của nhà trường là gì, thưa GS?

- Như tôi đã chia sẻ, thế mạnh truyền thống của nhà trường tập trung chủ yếu vào 2 lĩnh vực chính: NCKH cơ bản và khoa học giáo dục. Đại học Vinh là một trong những trường nghiên cứu đi đầu trong cả nước, trong đó có những nhóm nghiên cứu có uy tín của Việt Nam, như nhóm nghiên cứu lý thuyết Xác suất và Thống kê; nhóm nghiên cứu Quang học - Quang phổ; nhóm nghiên cứu các hợp chất thiên nhiên; nhóm nghiên cứu ngôn ngữ; nhóm nghiên cứu về khoa học và kỹ thuật vật liệu…

Trong vòng 5 năm qua, Đại học Vinh luôn nằm trong tốp 10 trường đại học của cả nước có nhiều bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, trong khi đây là điểm yếu của nhiều trường đại học. Hiện nay, nhà trường đang phấn đấu xây dựng để trở thành 1 trong 10 trung tâm nghiên cứu cơ bản và đồng thời là 1 trong 30 trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ của cả nước.

Điều gì khiến GS trăn trở với công tác NCKH trong trường đại học?

- Điều mà chúng tôi trăn trở là làm sao phát triển NCKH định hướng ứng dụng, gắn kết các đề tài NCKH trong công tác giảng dạy. Theo tôi, Nhà nước nên có cơ chế đặt hàng các đề tài NCKH, để gắn khoa học với thực tiễn, góp phần giải quyết tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu nhưng thiếu tính ứng dụng. Đây còn là giải pháp không chỉ giải quyết khâu tìm kiếm đề tài phù hợp cho các nhà khoa học mà còn bảo đảm kinh phí đầu tư có hiệu quả cho công tác NCKH. Hiện nay, có thể kể đến Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) là đơn vị có mô hình hoạt động rất hiệu quả, có sự đổi mới trong cơ chế quản lý tài chính, nâng cao chất lượng các chương trình tài trợ, hỗ trợ, khuyến khích NCKH chất lượng cao.

Là một trong những trường được Chính phủ chọn xây dựng thành đại học trọng điểm quốc gia. Điều khó khăn nhất của nhà trường là gì, thưa GS?

- Để trở thành đại học trọng điểm quốc gia, điều khó khăn nhất của Đại học Vinh là xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên mạnh về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu. Dù TP Vinh phát triển nhưng vẫn không phải là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước. Trong khi, một số cán bộ của nhà trường được đào tạo bài bản, có trình độ lại có xu hướng dịch chuyển đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - nơi tập trung nhiều viện nghiên cứu và các trường đại học lớn.

Vậy, giải pháp nào để xây dựng đại học trọng điểm, thưa GS?

- Để xây dựng đại học trọng điểm, nhà trường phải hướng tới những chuẩn mực quốc tế về quản trị nhà trường, quản trị chất lượng đào tạo, chất lượng và hiệu quả NCKH. Trong đó, chú trọng cơ sở vật chất đồng bộ và từng bước hiện đại, đáp ứng đào tạo và NCKH của cả thầy lẫn trò. Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức của nhà trường phải theo hướng tinh giản, chuyên nghiệp và điện tử hóa ở mức độ cao. Đội ngũ cán bộ, giảng viên được xây dựng đồng bộ, đáp ứng số lượng không ngừng nâng cao chất lượng, cần khẳng định rằng đây là vấn đề khó nhất. Không thể có trường đại học đẳng cấp quốc tế nếu không có đội ngũ giảng viên đạt trình độ quốc tế.

Với định hướng đào tạo đa ngành, nhà trường có sự chuẩn bị như thế nào cho mùa tuyển sinh sắp tới?

- Mùa tuyển sinh năm 2015, Đại học Vinh sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để tuyển sinh cho năm học mới. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, mùa tuyển sinh năm nay, nhà trường chỉ tuyển 43/50 mã ngành hiện có. Với định hướng ổn định số lượng để nâng cao chất lượng đào tạo, mặc dù số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy của nhà trường đã được tăng lên, nhưng trường không tăng chỉ tiêu tuyển sinh, không chạy theo số lượng.

Tuy nhiên, thầy giỏi mà sinh viên - nguồn vào nếu không đạt chất lượng thì cũng rất khó. Quan điểm của GS thế nào?

- Đại học Vinh luôn đặt mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo sinh viên tốt nghiệp ra trường phải nắm chắc kiến thức cơ bản, có nhiệt huyết, có khả năng lập nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Tôi cho rằng, chất lượng đội ngũ giảng dạy là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo và chúng ta nên hướng tới quản lý sản phẩm đầu ra, còn hiện nay nhà trường có các giảng viên giỏi cùng cơ chế tốt, sẽ thu hút được các sinh viên giỏi, nhờ làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh.

Với bề dày truyền thống và thương hiệu hơn 55 năm, Đại học Vinh còn có vị trí thuận lợi để tuyển sinh và hơn nữa, TP Vinh là nơi có môi trường sống tốt, chi phí sinh hoạt phù hợp khiến các sinh viên yên tâm sinh sống và học tập tại trường. Với các điều kiện “Thiên thời, địa lợi và nhân hòa” đó, tin chắc rằng chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội chào đón các sinh viên từ mọi miền của Tổ quốc về học tập, nghiên cứu và trưởng thành tại Đại học Vinh.

Tiền thân là trường đại học sư phạm nên nhiều mã ngành của Đại học Vinh đào tạo cử nhân sư phạm. Liệu nhà trường có lo các cử nhân ngành này sẽ khó xin việc bởi đội ngũ giáo viên ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Nghệ An, từng được sàng lọc vì quá dư thừa, thưa GS?

- Trong thời gian qua, sinh viên theo học ngành sư phạm tại Đại học Vinh đầu vào và đầu ra đều đáp ứng yêu cầu chất lượng nên không lo dư thừa. Bên cạnh đó, tổng chỉ tiêu các ngành sư phạm mà Bộ Giáo dục & Đào tạo đặt hàng cho nhà trường hàng năm ổn định trên cơ sở quy hoạch nguồn nhân lực của ngành nên hầu hết sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm của trường đều có việc làm. Thậm chí, có những chuyên ngành sư phạm, số sinh viên tốt nghiệp của nhà trường còn ít hơn cả nhu cầu đưa ra của địa phương như là các ngành mầm non, tiểu học...

GS có nhắn gửi gì tới các sinh viên?

- Mục tiêu đào tạo của các trường đại học có đạt được hay không phụ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực học tập của sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước. Thi đỗ vào đại học là thành quả sau 12 năm nỗ lực học tập của các em, song đây mới chỉ là bước khởi đầu. Trong những năm ngồi trên ghế nhà trường, các sinh viên phải luôn nỗ lực rèn luyện, tự học nhiều hơn nữa, dám dấn thân, dám lập nghiệp. Đồng thời, các em phải luôn trau dồi các kỹ năng mềm, kỹ năng sống để có khả năng thích ứng với xã hội, với môi trường quốc tế, có sức đề kháng trước biến đổi của xã hội, để khi ra trường các em có thể đương đầu với mọi thử thách, phát huy tối đa năng lực của bản thân, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn GS!