Đào tạo theo đơn đặt hàng của DN
Thực hiện chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, các trường cao đẳng đã xây dựng những kế hoạch hoạt động cụ thể để nâng chất lượng đào tạo nghề, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của Thủ đô và đất nước.
Chia sẻ về những giải pháp được nhà trường thực hiện trong kỷ vươn mình của dân tộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường cho hay: nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tiếp đến là hợp tác với các DN để tổ chức đào tạo theo đơn đặt hàng ở tất cả các ngành liên quan đến điện như: Điện – điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật điện – điện tử, Tự động hóa công nghiệp, Cơ điện tử, Kỹ thuật lập trình CNC, Công nghệ ô tô. Bên cạnh đó, nhà trường đang tiếp tục hợp tác, đào tạo theo đơn đặt hàng của DN ở ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ thông tin.
“Ngày 24/12, nhà trường đã làm việc với lãnh đạo một công ty Đài Loan (Trung Quốc) chuyên sản xuất vi mạch để năm 2025 sẽ tuyển khoảng 60 sinh viên của trường. Theo đó, sẽ có 30 em được đưa sang Đài Loan (Trung Quốc) để được đào tạo thêm sau đó trở về làm việc tại nhà máy ở khu công nghiệp phía Nam Hà Nội” – bà Phạm Thị Hường chia sẻ.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí Thư về kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh đào tạo gắn với DN và thị trường lao động. Điểm khác biệt của năm học 2024 – 2025 của trường là đã có một số DN đến đặt hàng đào tạo nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Điện công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật cơ khí; tài trợ toàn bộ học phí cho sinh viên thuộc đối tượng đặt hàng. Ngoài ra, sinh viên trong quá trình thực hành, thực tập tại DN còn được hỗ trợ tiền lương, chỗ ăn, ở...
“Năm 2024, thông qua hoạt động hợp tác DN, Công ty Motocycles TV đã đầu tư thiết bị cho xưởng thực hành sửa chữa ô tô, xe điện, xe máy của trường. Việc hợp tác trong đào tạo nghề đã mang đến nhiều lợi ích cho cả nhà trường và các DN, từ việc đào tạo, thực hành cho học sinh, sinh viên đến tuyển dụng và bồi dưỡng nhà giáo” - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Hằng Nga cho hay.
Chuyển đổi số trong đào tạo để tiết kiệm chi phí đầu tư
Bên cạnh việc phối hợp với DN trong đào tạo theo đơn đặt hàng của DN, nhiều trường cao đẳng đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối bên trong để thực sự tinh gọn nhưng hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, lãnh đạo các trường cao đẳng đã tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ, giảng viên, đặc biệt là đảng viên đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số. Các trường cũng đã có kế hoạch giao cho từng đơn vị xây dựng bài giảng, giáo án điện tử, tài liệu học dùng chung cho cả trường.
Đối với Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, việc yêu cầu các giảng viên viết bài giảng điện tử, nhà trường sẽ có nhiều tài liệu điện tử để khai thác dùng chung. Cách làm này giúp nhà trường đỡ lãng phí chi phí in ấn tài liệu, tránh được việc cùng một môn học mà thầy cô nào cũng viết tài liệu. Ngoài ra, nhà trường còn chuyển sang thực hiện tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính với khoảng 70% số môn chung và môn cơ sở ngành, để giảm chi phí in ấn, nhân công, làm đề; chỉ còn 30% môn thực hành thi trực tiếp trên trang thiết bị.
Đứng trước những thách thức của thời đại về đào tạo nhóm ngành Kỹ thuật, Công nghệ thông tin, năm 2025 trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đã đưa nội dung chuyển đổi số trong đào tạo và quản trị DN là nhiệm vụ trọng tâm. Đây là nền tảng phát triển những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo vào hoạt động đào tạo và cũng là một trong 7 định hướng lớn đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Đặc biệt, trước thông tin nhiều DN đang cần tuyển dụng nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đi đầu trong việc hợp tác với trường đại học nước ngoài đào tạo nghề Công nghệ bán dẫn, như Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội... Hiện nay, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã hợp tác với Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Long Hoa của Đài Loan (Trung Quốc) mở lớp đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn với số lượng 24 sinh viên. Các em sinh viên theo học ngành này được Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Long Hoa hỗ trợ học bổng, ra trường sẽ được DN tuyển dụng vào làm việc ngay với mức lương cao. Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cũng hợp tác với các DN của Trung Quốc cử sinh viên đi học ngành sản xuất thông minh, tự động hóa... để trang bị thêm kỹ năng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cao của DN.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực rất lớn của ngành công nghiệp bán dẫn, Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đã mở thêm chuyên ngành Công nghệ bán dẫn thuộc ngành/nghề Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử. Ngoài ra, nhà trường đang xây dựng chương trình để mở thêm một số nghề về ngôn ngữ và Thương mại điện tử.
Các trường cao đẳng kỳ vọng, với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của DN sẽ tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Qua đó, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của Thủ đô và cả nước, cũng như thực hiện theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.