HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức có diện tích sản xuất rau an toàn đạt 34ha, với sản lượng hàng ngàn tấn mỗi năm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hào, Chủ nhiệm HTX cho biết, hiện nay, người nông dân vẫn chủ yếu phải chở rau ra các chợ đầu mối trên địa bàn TP để tiêu thụ.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, hiện nay liên kết giữa nông dân với DN trong sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn còn lỏng lẻo. Nông dân chủ yếu vẫn sản xuất tự phát dẫn tới điệp khúc "được mùa - mất giá" thường xuyên diễn ra và giá trị sản xuất còn thấp. Đặc biệt, có tình trạng người sản xuất phá vỡ cam kết khi giá cả thị trường cao hơn giá hợp đồng với DN, trong khi DN chưa tôn trọng lợi ích thỏa đáng của nông dân.
Để giải quyết vấn đề này, cần xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia. Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khẳng định, trong mối liên kết, người sản xuất phải chủ động học tập, nâng cao kỹ năng sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chia sẻ khó khăn cùng DN, đảm bảo chữ tín cho chính mình cũng như cả chuỗi giá trị.
Về phía DN, cần xây dựng chiến lược từ sản xuất đến kinh doanh trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ông Chí cũng cho rằng, hình thức liên kết giữa DN với người nông dân theo phương pháp phát triển vùng nguyên liệu và gia công sản phẩm là hai hướng đi bền vững hiện nay.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Quý Đăng, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhận định, để đảm bảo sản xuất và đầu ra ổn định, cần đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và DN theo hình thức tiêu thụ qua hợp đồng. Ngoài vai trò của hai nhân tố chính là DN và nông dân, Nhà nước, nhà khoa học cũng cần nâng cao hơn nữa vai trò định hướng, tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ về vốn tín dụng, thuế, xây dựng hạ tầng cơ sở... để khuyến khích DN đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ nông sản.