Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao trách nhiệm của Sở GTVT trong quản lý xe khách

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tư 18/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực từ 15/7/2024 tới đây sẽ thêm quyền quản lý cho Sở GTVT. Việc phân cấp cho Sở GTVT nhằm mục đích quản lý chặt chẽ hơn hoạt động vận tải hành khách.

Quản lý chặt chẽ

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 18/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực từ ngày 15/7/2024.

Theo đánh giá, những quy định mới này sẽ giúp cho cơ quan chức năng quản lý chặt hơn và việc lưu thông trên đường được an toàn hơn.

Sở GTVT sẽ là cơ quan có thẩm quyền trực tiếp sử dụng phần mềm của Bộ GTVT để thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải hành khách cố định.
Sở GTVT sẽ là cơ quan có thẩm quyền trực tiếp sử dụng phần mềm của Bộ GTVT để thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải hành khách cố định.

Điểm đáng chú ý nhất tại Thông tư 18/2024 được nhiều ngươi dân quan tâm là Điều 22, quy định về quản lý tuyến. Cụ thể, Sở GTVT sẽ là cơ quan có thẩm quyền trực tiếp sử dụng phần mềm của Bộ GTVT để thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh; thống nhất với Sở GTVT đầu tuyến bên kia để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh và báo cáo về Cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp, công bố.

Định kỳ trước ngày 30/4 hằng năm, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư sẽ có trách nhiệm công bố danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh; Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm công bố danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh.

Thông tư cũng quy định, Sở GTVT công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở các thông tin chi tiết của từng tuyến gồm: bến xe nơi đi, bến xe nơi đến, hành trình; tổng số chuyến xe và giờ xuất bến của từng chuyến xe đã có đơn vị tham gia khai thác và thời gian giãn cách tối thiểu giữa các chuyến xe liền kề; công suất bến xe hai đầu tuyến.

Thông tư cũng bổ sung trách nhiệm của Sở GTVT trong khai thác, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô. Cụ thể, Sở GTVT khai thác, sử dụng dữ liệu trên phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam để phục vụ công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, có trách nhiệm thông báo đến Cục Đường bộ Việt Nam đối với các trường hợp dữ liệu có bất thường hoặc cần kiểm tra lại thông tin.

Mặt khác, Sở GTVT có trách nhiệm theo dõi, khai thác và sử dụng dữ liệu trên phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam hoặc của các đơn vị kinh doanh vận tải tại địa phương để phục vụ công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn. Cùng đó, bảo mật tên đăng nhập, mật khẩu truy cập và thông tin dữ liệu khai thác trên phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam theo quy định.

Truyền dữ liệu liên tục

Thông tư 18/2024 đã sửa đổi tên Chương VI trước đây quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng thông tin của hợp đồng vận chuyển, giấy vận tải (giấy vận chuyển), lệnh vận chuyển thành quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng thông tin xe ra/vào bến xe khách.

Khi xe ra/vào bến xe khách phải cung cấp các thông tin trên lệnh vận chuyển của từng chuyến xe hoạt động tại bến gồm: tên bến xe (tên, mã số bến xe theo quyết định công bố); tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải (tên, mã số thuế của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải); họ và tên lái xe (họ và tên, hạng giấy phép người lái xe, số giấy phép người lái xe); biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động (mã số tuyến, bến xe nơi đi, bến xe nơi đến); giờ xe xuất bến; số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế).

Các thông tin này phải được cung cấp liên tục về phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam với thời gian không quá 3 phút, kể từ khi xe xuất bến. Thông tư cũng bổ sung quy định đối với đơn vị kinh doanh bến xe khách về việc trang bị phần mềm quản lý bến xe và cung cấp các thông tin trên lệnh vận chuyển của từng chuyến xe hoạt động tại bến về phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam. Dữ liệu phải đảm bảo đầy đủ, chính xác, không sửa đổi hoặc hiệu chỉnh làm sai lệch giá trị trước, trong và sau khi truyền.

Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm theo dõi và vận hành hệ thống; khai thác, sử dụng dữ liệu trên phần mềm của Cục khi thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải tại các địa phương; phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, thuế và phòng, chống buôn lậu của cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản.

Chủ trì xây dựng hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải đường bộ và kết nối, chia sẻ, liên thông toàn bộ dữ liệu giám sát hành trình, hình ảnh từ camera trên xe giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Chủ trì xây dựng phần mềm quản lý tuyến vận tải khách cố định toàn quốc, phần mềm quản lý bến xe toàn quốc.