Kinhtedothi - Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số...
Kinhtedothi - Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT). Ý kiến các đại biểu (ĐB) đều tập trung góp ý về vấn đề bắt buộc người dân phải mua BHYT để sớm đạt mục tiêu BHYT toàn dân.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tập trung vào một số nội dung quan trọng, đó là sửa đổi các quy định về bắt buộc tham gia BHYT; về quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình; về quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý kết dư, bội chi quỹ bảo hiểm y tế; về quy định giảm mức cùng chi trả đối với thân nhân người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; về thanh toán khám chữa bệnh BHYT với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Ảnh minh họa
Nhất trí với Luật sửa đổi lần này sẽ quy định bắt buộc mọi người tham gia BHYT, các ĐB cho rằng, thực tế sau hơn ba năm triển khai Luật BHYT cho thấy, mặc dù trong Luật đã quy định cụ thể các đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT nhưng việc tuân thủ pháp luật của các đối tượng này chưa cao. Để thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân thì cần phải quy định bắt buộc tham gia đối với tất cả các đối tượng, Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT, cũng như cơ chế chính sách về giá dịch vụ y tế để thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT. Ngoài ra, các ĐB góp ý nên quy định có nhiều mức đóng tham gia BHYT để phù hợp hơn cho nhiều đối tượng tham gia BHYT và khi có bệnh sẽ được chi trả theo mức đóng góp.
Các ĐB cũng đề nghị đi kèm với BHYT bắt buộc thì cũng cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thủ tục hành chính. "Dự luật phải quy định làm thế nào đó để tạo thuận lợi cho người khám chữa bệnh bởi việc quy định phải khám chữa bệnh theo tuyến này tuyến kia như hiện nay làm người dân rất mệt mỏi", ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phát biểu.
Ngoài ra, một số ĐB bổ sung, cần quy định trong bệnh viện chỉ có một danh mục thuốc, vật tư tiêu hao thống nhất để người bệnh dù thuộc đối tượng nào cũng được chăm sóc sức khỏe như nhau (hiện nay các bệnh viện có hai danh mục dành cho bệnh nhân BHYT và không BHYT).
Luật sửa đổi lần này cũng quy định, Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền chi trả khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Đồng thời, BHYT cũng sẽ thanh toán cho các trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến với tỷ lệ chi trả 20% đối với tuyến trung ương, 50% đối với tuyến tỉnh và 70% đối với tuyến huyện. Do quyền lợi hưởng ngày càng mở rộng, với mô hình bệnh tật ngày càng đa dạng, các ĐB lo ngại hành vi trục lợi Quỹ BHYT ngày càng tinh vi nhưng công cụ kiểm soát chi phí còn thiếu là một thách thức đối với công tác giám định và quản lý sử dụng Quỹ BHYT. Ngoài ra, cũng cần thiết bổ sung quy định Quỹ BHYT thanh toán dịch vụ khám, tư vấn và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em.
Cũng theo Luật BHYT sửa đổi lần này, phần kết dư hàng năm của Quỹ BHYT của các địa phương sẽ được chuyển về trung ương để điều tiết chung. Trong trường hợp bội chi Quỹ thì quỹ dự phòng trung ương sẽ chi 80% còn các tỉnh, thành phố sẽ chi 20%. Ngoài ra, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ quy định thống nhất giá dịch vụ y tế giữa các hạng bệnh viện trên toàn quốc. Tuy nhiên, nhiều ĐB đề xuất, trong giai đoạn đầu, do chưa có sự đồng đều về tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế và dịch vụ khám chữa bệnh giữa các tỉnh nên cho phép các tỉnh thành có kết dư quỹ được sử dụng một phần để phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đối với phần quỹ kết dư sẽ dành 50% chuyển cho tỉnh/thành phố sử dụng để hỗ trợ nâng cao quyền lợi người tham gia BHYT.
Chiều nay, các ĐB Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi và dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân sửa đổi.