Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao vị thế, tăng năng lực hội nhập quốc tế của Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 năm sau khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, nhờ chính sách ngoại giao chủ động, sáng tạo, tầm vóc và vị thế của Hà Nội đã được định vị, củng cố và nâng cao trên trường quốc tế.

Dù được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau như "Thành phố vì hòa bình", "Thủ đô ngàn năm tuổi"... nhưng trong mắt bè bạn năm châu, Hà Nội là hiện thân của sự giao hòa giữa một TP trẻ, năng động và một Thủ đô địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hiến.

Củng cố vị thế

Ngay từ khi có chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, không ít bạn bè quốc tế đã bày tỏ sự ái ngại chân thành, nhưng những thế mạnh của Hà Tây (cũ) và một số địa phương đã tạo nên một tư thế mới, diện mạo mới, sức sống mới cho Hà Nội, góp phần tăng năng lực hội nhập quốc tế của Thủ đô.

 
Nâng cao vị thế, tăng năng lực hội nhập quốc tế của Thủ đô - Ảnh 1

 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi và đại diện JICA - Nhật Bản ký biên bản ghi nhớ vay vốn thực hiện Dự án xử lý nước thải Yên Xá. Ảnh: Anh Quý

Sự hiện diện của các tập đoàn toàn cầu, việc nhiều nghệ sĩ nước ngoài dành trọn đam mê tìm kiếm vẻ đẹp của Hà Nội; hay việc Hà Nội là một điểm đến được ưu tiên trong lịch trình bận rộn của nhiều nhà khoa học, bác học nổi tiếng… đủ để cho thế giới thấy vị trí đặc biệt của Thủ đô trong lòng bè bạn quốc tế.

Đặc biệt, việc hỗ trợ, giúp đỡ người nước ngoài làm ăn, sinh sống và học tập tại Hà Nội hay đến Hà Nội tham quan, du lịch, tìm hiểu môi trường đầu tư… được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp đã tạo được ấn tượng đẹp về một Thủ đô thân thiện, mến khách, giàu tiềm năng phát triển. Điều này đã lý giải cho câu hỏi tại sao ngày càng có nhiều người nước ngoài coi Hà Nội là quê hương thứ hai và nỗ lực tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi và đại diện JICA - Nhật Bản ký biên bản ghi nhớ vay vốn thực hiện Dự án xử lý nước thải Yên Xá. Ảnh: Anh Quý

Tăng sức cạnh tranh

Với mục tiêu tăng năng lực cạnh tranh cho Thủ đô trong bối cảnh Đông Nam Á đang trở thành khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới, ngay từ khi triển khai quyết định mở rộng địa giới hành chính, ngành đối ngoại của TP đã nỗ lực mở rộng quan hệ hữu nghị giữa Hà Nội với các thủ đô, TP trên thế giới. Việc tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch hai chiều tại các thị trường tiềm năng; hoạt động tuyên truyền quảng bá về môi trường, chính sách ưu đãi đầu tư, nhu cầu thị trường, khả năng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh… được Sở Ngoại vụ TP tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội. Vì thế, dù quá trình hợp nhất Thủ đô diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bắt đầu khủng hoảng, các quốc gia phải cắt giảm đầu tư nhưng nhờ tiềm năng và sức cạnh tranh được nâng cao, Hà Nội vẫn là đích đến ưa thích của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Việc Hà Nội nằm trong danh sách 10 TP khu vực châu Á - Thái Bình Dương sử dụng có hiệu quả chi phí đầu tư tại Hội nghị toàn thể Mạng lưới các TP lớn châu Á thế kỷ XXI (ANMC21) lần thứ 11 ở Singapore năm 2012 là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của chính quyền Thủ đô.

Thúc đẩy hội nhập

Công tác đối ngoại Thủ đô cũng đã tăng cường nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác đa phương với các tổ chức quốc tế và để lại ấn tượng đẹp về một TP vì hòa bình, năng động, mến khách. Việc Hà Nội được chọn để đăng cai tổ chức nhiều Hội nghị quốc tế lớn của Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội ASEAN, Tổ chức Văn hóa & Giáo dục Liên Hợp quốc (UNESCO), Đại hội Quốc tế ngữ toàn cầu,... và vào tháng 11 tới là Hội nghị toàn thể ACMC21 lần thứ 12 là minh chứng rõ ràng nhất về quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Thủ đô sau 5 năm hợp nhất.

Nhờ quan hệ tốt với các tổ chức phi chính phủ, Hà Nội đã tranh thủ được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống tinh thần vật chất, phát triển văn hóa - xã hội... cho các địa phương xa trung tâm như địa bàn thuộc tỉnh Hà Tây (cũ). Trên thực tế, nhiều dự án của các nhà tài trợ nước ngoài đã được triển khai và đạt hiệu quả cao như: Dự án "Chân trời mới" trị giá 250.000 USD hỗ trợ thanh thiếu niên nông thôn tại huyện Quốc Oai, dự án tài trợ 60.500 USD để dạy nghề và đào tạo việc làm cho người khuyết tật và người nghèo tại huyện Thạch Thất…

Rõ ràng, trên cơ sở thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, hoạt động đối ngoại của Hà Nội đã góp phần khẳng định chủ trương mở rộng Thủ đô là quyết định đúng đắn, mang tính lịch sử, đưa Hà Nội bước vào thời kỳ phát triển mới, với một tầm vóc lớn hơn, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Vì vậy, dù 5 năm chưa phải là một quãng thời gian dài nhưng những gì mà ngành đối ngoại đã làm được giúp chúng ta tin tưởng rằng vị thế trên trường quốc tế của Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính sẽ không ngừng được củng cố và sánh ngang với những Thủ đô khác trong khu vực và thế giới.