“Việc Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc là minh chứng rõ ràng về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, phản ánh sự cải thiện điều kiện sống ở Việt Nam và sự công nhận vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”- Giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam Việt Nam Vũ Thị Quỳnh Hoa đã chia sẻ như vậy với Kinh tế & Đô thị nhân dịp năm mới 2023.
Đặt con người ở trung tâm phát triển
Việt Nam mới đây đã trúng cử lần thứ hai vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Oxfam đánh giá như thế nào về các thành tựu trong nâng cao đời sống người dân, đảm bảo bình đẳng sống trong các lĩnh vực của Việt Nam thời gian qua?
- Oxfam xin chúc mừng Việt Nam đã lần thứ hai được Đại hội đồng Liên Hợp quốc bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (UNHRC). Việt Nam là thành viên duy nhất đến từ Đông Nam Á trong số 14 thành viên của UNHRC. Những thành tựu này đạt được thông qua việc thực hiện nhiều chính sách, chương trình nhằm cải thiện sinh kế, phúc lợi của mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nghèo và thiệt thòi.
Đóng góp vào những thành tựu này là nỗ lực của nhiều bên liên quan bao gồm Nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận và khu vực tư nhân. Phản ứng nhanh chóng của Việt Nam đối với đại dịch Covid-19 và khả năng phục hồi mạnh mẽ, ấn tượng sau đại dịch là một ví dụ điển hình về sự hợp tác này. Những chính sách và động thái nhanh chóng của Nhà nước đã giúp cải thiện đời sống người dân hiệu quả trong giai đoạn khó khăn của đại dịch, đồng thời tạo điều kiện cho các sáng kiến xã hội (ATM gạo, Bản đồ SOS hoặc nền tảng WiShare).
Điều này minh chứng việc cải thiện bền vững về phúc lợi của mọi người dân được Chính phủ rất quan tâm, đồng thời các DN tư nhân có trách nhiệm và quản trị minh bạch, đặt con người lên hàng đầu ở trung tâm của quá trình phát triển.
Trên nền tảng đó, Việt Nam có tiềm năng đóng góp vào tiến trình đảm bảo quyền con người như thế nào với vai trò này, trong nhiệm kỳ 2023 - 2025 sắp tới, thưa bà?
- Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc thể hiện cam kết của Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền, thể hiện qua những nỗ lực chuẩn bị cho việc ứng cử, bao gồm cả việc Tự nguyện kiểm điểm định kỳ phổ quát giữa kỳ đối với các cam kết quốc tế về nhân quyền.
Với thông điệp "Tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và hợp tác, đảm bảo nhân quyền cho tất cả mọi người", Việt Nam sẽ có thể tận dụng nhiệm kỳ của mình để giải quyết những bất bình đẳng và phân biệt đối xử phổ biến hiện diện trong mọi xã hội ở khắp nơi.
Ví dụ, Việt Nam có thể khuyến khích, thúc đẩy các thông lệ hiệu quả trong báo cáo nhân quyền do Cơ quan Đối tác và Hợp tác vì phát triển nhiều bên (PC4D) thực hiện, bao gồm các chủ thể ngoài Nhà nước và DN tư nhân. Tất cả những sáng kiến này sẽ góp phần đạt được Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và đảm bảo một thế giới nơi mọi người đều có một cuộc sống bình đẳng.
Nhìn vào Hà Nội có thể thấy quyết tâm của Việt Nam
Đại dịch Covid-19 cho thấy những lỗ hổng của các Chính phủ trong đảm bảo quyền lợi của con người trước biến chuyển trên toàn cầu. Trong bối cảnh tới, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục duy trì các thành quả kinh tế, đồng thời đảm bảo một xã hội bình đẳng, phát triển vì quyền lợi, lợi ích của người dân hơn nữa?
- Thành công đáng kể của Việt Nam là rất rõ ràng. Mặt khác, đại dịch cũng đặt cho Việt Nam và nhiều quốc gia khác trước thách thức gây ra tình trạng bất bình đẳng gia tăng chưa từng thấy.
Điều này được nhấn mạnh trong báo cáo Chỉ số Cam kết giảm bất bình đẳng (CRII) do Oxfam công bố gần đây. Báo cáo này xếp hạng 161 chính phủ trên toàn thế giới về nỗ lực giảm bất bình đẳng trong ba lĩnh vực chính sách chính: Dịch vụ công (y tế, giáo dục và an sinh xã hội); Thuế lũy tiến và Quyền lao động.
Báo cáo cho thấy, sau đại dịch, nhiều chính phủ gặp khó khăn trong việc thực hiện các chính sách nhằm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng gia tăng khi buộc cắt giảm ngân sách trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và an sinh xã hội.
Trong bối cảnh tới, Oxfam khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục thiết kế và thực hiện các chính sách nhằm giải quyết cụ thể, thúc đẩy bình đẳng đa chiều như tăng cường hệ thống thuế lũy tiến, tăng khả năng tiếp cận và bao phủ các dịch vụ công có chất lượng cho tất cả mọi người, hướng tới bao phủ an sinh xã hội toàn dân. Điều quan trọng là mô hình và chính sách phát triển trong tương lai phải giải quyết được bất bình đẳng giới trong chính sách cũng như thực tiễn lao động. Tất cả những điều này là cần thiết để duy trì quá trình phục hồi toàn diện sau đại dịch Covid-19 trong trung hạn.
Đồng thời thúc đẩy các ý tưởng về mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam hướng tới Chương trình nghị sự 2030, theo đó “Không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng như đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Thủ đô Hà Nội với vai trò là đầu tàu kinh tế, trung tâm chính trị, văn hóa - xã hội đã đóng góp như thế nào vào thành tựu phát triển của Việt Nam trong năm phục hồi hậu đại dịch Covid-19 vừa qua, thưa bà?
- Ngay sau khi các hạn chế do dịch Covid-19 được dỡ bỏ và biên giới quốc tế mở, Hà Nội đã chứng kiến lượng lớn du khách quốc tế quay trở lại, các DN phát triển mạnh, các không gian công cộng tràn ngập ý tưởng và triển lãm sáng tạo. Trong đó nổi bật là việc Hà Nội tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31).
Bên cạnh đó, việc các không gian, cơ sở hạ tầng mới như các tuyến tàu điện ngầm và đường vành đai được nối lại hoạt động hay tiến tới hoàn thiện, dự kiến sẽ mang tới cho TP một diện mạo mới, trong nỗ lực định vị Hà Nội là một trung tâm lớn của khu vực và toàn cầu.
Là một thành viên trong mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO, những nét sáng tạo của Hà Nội dần hồi phục với các cộng đồng và không gian nghệ thuật, cũng như các sáng kiến cấp cơ sở như Vì một Hà Nội đáng sống… Là nơi tập trung các viện nghiên cứu và giáo dục lớn nhất Việt Nam, Hà Nội cũng sẽ tiếp tục là trung tâm đổi mới, nghiên cứu, phát triển của cả nước và khu vực.
Sự kiên cường và sáng tạo của Hà Nội cũng phản ánh tinh thần lạc quan của người dân Việt Nam. Nhìn vào Hà Nội, chúng ta có thể thấy Việt Nam quyết tâm hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, mong muốn một mô hình tăng trưởng đặt con người và môi trường lên hàng đầu. Oxfam sẽ tiếp tục làm việc và hỗ trợ Hà Nội cũng như Việt Nam hướng tới tầm nhìn này. Oxfam ủng hộ những hình mẫu phát triển kinh tế nhân văn, cố gắng đảm bảo rằng tất cả mọi người, không chỉ một số ít, sẽ được hưởng lợi từ những thành tựu và tiến bộ của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Xin trân trọng cảm ơn bà!