Ông Trump tự tin Mỹ và Iran sẽ đạt thỏa thuận về chương trình hạt nhân
Kinhtedothi - Vòng đàm phán hạt nhân thứ tư giữa Mỹ và Iran có thể diễn ra tại châu Âu trong hai tuần tới, bất chấp việc hai nước còn nhiều bất đồng về hoạt động làm giàu uranium và chương trình tên lửa của Tehran.
Ngày 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự lạc quan rằng Washington sẽ đạt được một thỏa thuận với Tehran liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Phát biểu trước các phóng viên Nhà Trắng tại sân bay Morristown ở bang New Jersey hôm 27/4, ông Trump nói: "Về các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, tôi nghĩ chúng tôi đang làm rất tốt. Tôi tin tưởng sẽ đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran.
Ông Trump nhấn mạnh thêm: "Điều đó sẽ xảy ra và chắc chắn chúng ta sẽ có được điều mình muốn mà không cần phải thả bom khắp nơi".

Tổng thống Donald Trump lạc quan cho rằng Mỹ sẽ đạt được một thỏa thuận với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Ảnh: IRNA.
Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Iran liên tục tổ chức các cuộc đàm phán gián tiếp trong thời gian gần đây, với vòng đàm phán gần nhất vừa diễn ra tại thủ đô Muscat của Oman vào ngày 26/4 vừa qua.
Tờ The New York Times ngày 27/4 đưa tin vòng đàm phán thứ tư hạt nhân giữa Mỹ và Iran có khả năng sẽ diễn ra tại châu Âu trong vòng 2 tuần tới. Tờ báo dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, Oman sẽ tiếp tục đóng vai trò trung gian cho cuộc đối thoại hạt nhân sắp tới.
Trong vòng đàm phán thứ ba về hạt nhân tại Oman, phái đoàn Iran do Ngoại trưởng Abbas Araghchi dẫn đầu, còn phía Mỹ được đại diện bởi Đặc phái viên Steve Witkoff. Ngoại trưởng Araghchi nhận định rằng cuộc đàm phán lần này diễn ra "nghiêm túc hơn đáng kể" so với 2 vòng đàm phán trước đó.
Nguồn tin từ Mỹ cho biết, Washington cần thêm thời gian để xem xét các đề xuất mới từ Tehran và đang tìm kiếm một địa điểm tổ chức đàm phán thuận tiện hơn, gần nước Mỹ hơn.
Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu tích cực, tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran hiện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Theo The Wall Street Journal, các bất đồng chủ yếu tập trung vào chương trình làm giàu uranium của Iran, được xem là "vấn đề then chốt" trong các cuộc thảo luận hạt nhân giữa Washington và Tehran.
Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Trump cũng đang thúc đẩy việc gắn chương trình tên lửa đạn đạo của Iran vào nội dung thỏa thuận hạt nhân mới, điều mà Tehran nhiều lần phản đối.
Dù vậy, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng vẫn đánh giá các cuộc thảo luận hạt nhân tại Oman là "tích cực và mang tính xây dựng". Vị quan chức này cho biết thêm rằng một cuộc gặp tiếp theo giữa hai bên sẽ được tổ chức sớm tại châu Âu.
Trước đó, Ngoại trưởng Iran Araghchi xác nhận rằng địa điểm cho vòng đàm phán hạt nhân thứ tư giữa Mỹ và Iran sẽ do phía Oman công bố trong thời gian tới.
Quan hệ Mỹ–Iran về vấn đề hạt nhân đã trải qua nhiều thăng trầm trong thập kỷ qua. Năm 2015, dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ cùng các cường quốc thế giới gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, đã ký kết Thỏa thuận Hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA). Thỏa thuận này nhằm giới hạn chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Donald Trump đơn phương tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA với lý do thỏa thuận này "kém hiệu quả" và "không ngăn chặn được tham vọng hạt nhân của Iran". Quyết định này dẫn đến việc Iran từng bước rút khỏi các cam kết trong JCPOA và nối lại một số hoạt động hạt nhân bị hạn chế trước đó. Kể từ đó, căng thẳng giữa hai nước gia tăng, với nhiều sự kiện leo thang ở Vịnh Ba Tư.
Giới phân tích cho rằng việc khôi phục JCPOA với bất kỳ hình thức nào cũng sẽ giúp giảm căng thẳng tại Trung Đông và tạo cơ hội cho Iran quay trở lại cộng đồng kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, con đường phía trước còn nhiều thách thức, đòi hỏi cả Mỹ và Iran phải thể hiện thiện chí và nhượng bộ nhất định đối với các vấn đề then chốt như quyền làm giàu uranium và chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran.

Podcast quốc tế: đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran hé lộ ánh sáng cuối đường hầm
Kinhtedothi - Cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Iran, dự kiến diễn ra ngày 12/4 tại Oman, được xem là bước đi đầu tiên nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng đối thoại và nhượng bộ từ cả hai phía, thay vì trông đợi một đột phá tức thì trong tiến trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân.

Nga-Iran “bắt tay” vô hiệu hóa lệnh trừng phạt từ phương Tây
Kinhtedothi - Theo Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Nga - Iran vừa được Thượng viện Nga thông qua giữa tuần này, hai nước trở thành đối tác chiến lược và hợp tác trong tất cả các lĩnh vực như quốc phòng, chống khủng bố, năng lượng…

Mỹ và Iran nối lại đàm phán hạt nhân giữa thận trọng và kỳ vọng
Kinhtedothi - Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran đã bước vào giai đoạn mới với vòng thảo luận thứ ba kéo dài nhiều giờ tại Muscat (Oman) ngày 26/4, được cả hai bên đánh giá là "tích cực, nghiêm túc".