Nâng chuẩn để hàng Việt trụ vững tại siêu thị

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia bán lẻ, muốn hàng Việt có được “chỗ đứng” trong cơ cấu hàng hóa tại hệ thống siêu thị hiện đại, các đơn vị sản xuất phải đáp ứng các quy chuẩn của DN bán lẻ đặt ra, đảm bảo cung ứng hàng hóa số lượng lớn dài hạn. Khi vấn đề này được giải quyết sẽ tạo ra mối gắn kết chặt chẽ giữa DN sản xuất với hệ thống phân phối.

Người tiêu dùng mua hàng Việt tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Lê Nam
Hàng Việt khó vào siêu thị
Các DN bán lẻ trong nước và quốc tế đầu tư tại Việt Nam đều phản ánh, hiện hàng Việt chưa có chỗ đứng ổn định trên các quầy, kệ siêu thị. Nguyên nhân là do sản phẩm chưa đáp ứng những yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm… khiến hàng Việt đang gặp khó khi "chen chân" vào siêu thị.

Chia sẻ kinh nghiệm khi tham gia vào hệ thống phân phối tại một số nước trên thị trường quốc tế, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Mỹ nghệ Thăng Long Lê Anh Tuấn cho biết: Mỗi mặt hàng khi bước chân vào hệ thống bán lẻ hiện đại đều phải đáp ứng những tiêu chí cụ thể, đồng thời DN phải thường xuyên cập nhật tiêu chí để đưa ra những sản phẩm phù hợp với yêu cầu. “Bất cứ một mặt hàng nào muốn “đặt chân” được vào hệ thống phân phối cần phải chứng minh được rõ nguồn gốc, xuất xứ, có bao bì rõ ràng của sản phẩm đó” - ông Tuấn nói.

Thực tế cho thấy, quy định là vậy nhưng lượng DN sản xuất hàng Việt đáp ứng được những yêu cầu từ phía DN bán lẻ không nhiều. Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Đỗ Tuệ Tâm than phiền: Theo quy định, hàng nông, thủy sản muốn vào siêu thị tiêu thụ phải đáp ứng một loạt tiêu chí, từ nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu..., nhưng với bà con nông dân thì đây là vấn đề rất khó khăn bởi sản xuất manh mún, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Bích Vân cho biết: DN Việt Nam còn gặp nhiều vấn đề với tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Đơn cử, với nhóm hàng thực phẩm chế biến, một số DN còn vướng ở hồ sơ công bố chất lượng, tem nhãn còn sai quy định nên không thể đưa hàng vào siêu thị tiêu thụ.

Mặc dù đánh giá cao chất lượng hàng Việt đưa vào siêu thị tiêu thụ, nhưng nhiều DN bán lẻ cho rằng, việc cung ứng hàng hóa của các DN Việt Nam chủ yếu là theo mùa vụ, không đảm bảo nguồn cung dài hạn, số lượng lớn. Giám đốc Lotte Mart tại Hà Nội Ma Jung Uk cho hay, năm 2020 đã có 1.600 tấn chuối Việt Nam vào hệ thống Lotte Mart ở Hàn Quốc tiêu thụ và tập đoàn đang lên kế hoạch để nâng sản lượng cho năm 2021. “Thế nhưng khó khăn nhất của chúng tôi là khả năng cung cấp hàng liên tục của công ty Việt. Họ cung cấp 1 năm đã xong, nhưng chưa thấy có ý định cung cấp hàng cho năm 2021” - ông Ma Jung Uk thông tin.

Đẩy mạnh kết nối sản xuất - bán lẻ

Theo các chuyên gia bán lẻ, để hàng Việt có chỗ đứng ổn định tại hệ thống bán lẻ hiện đại, đủ sức cạnh tranh hàng ngoại nhập đòi hỏi DN sản xuất đẩy mạnh đầu tư công nghệ từ đó nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tăng cường quảng bá, đa dạng sản phẩm cho từng phân khúc thị trường... Nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu của đề án là giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ hơn 85% tại các kênh phân phối hiện đại, trên 80% tại các kênh phân phối truyền thống; 100% địa phương nhân rộng mô hình điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”…

Để hỗ trợ DN thực hiện đề án, qua đó khẳng định chỗ đứng tại hệ thống siêu thị giữ thị phần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ: Thời gian tới ngành công thương sẽ hỗ trợ DN phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định, bền vững. Xây dựng chương trình kết nối giữa DN sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước. Hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng…"Đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa thương mại với sản xuất, kết nối cung - cầu và bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng sẽ là “chìa khóa” để hàng Việt cạnh tranh với hàng ngoại nhập” - bà Lan nói.
Do sự không thường xuyên cập nhật các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước và tiêu chuẩn hàng hóa của từng siêu thị nên DN khi đưa hàng vào bán tại đây gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, DN, hợp tác xã và người nông dân khi đưa hàng vào siêu thị cần lưu ý các giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do Nhà nước và công ty phân phối quy định; đồng thời đảm bảo sản lượng, nguồn cung ổn định lâu dài.

Giám đốc Bộ phận quản lý Nhà cung cấp AEON Việt Nam Nguyễn Thị Duy Xuân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần