Sự nhộn nhịp của tiếng máy tiện, cắt, gọt... tiếng va đập chát chúa của sắt, thép khiến cho hoạt động sản xuất ở đây như một đại công trường giữa một vùng quê thanh bình. Giải quyết tốt nhu cầu việc làm Nguồn gốc nghề cơ kim khí của người dân làng Phùng Xá đã có từ lâu đời. Trải qua bao năm tháng, đến nay, nghề rèn, đúc thủ công ngày càng phát triển cùng với sự sáng tạo, áp dụng những kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm đa dạng về mẫu mã đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trước đây, để phục vụ sản xuất nông nghiệp những sản phẩm dân làng làm ra là những nông cụ như cày, cuốc, liềm, hái, xẻng, đinh… Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường sản phẩm của làng đã đa dạng hơn với sắt hộp, tôn lượn, tôn lá, cửa sắt các loại...
Anh Nguyễn Văn Sơn, một thợ kim khí lâu năm chia sẻ, ĐCN - LN Phùng Xá được thành lập cuối năm 2006 đã đáp ứng nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất. Dự án đã thu hút rất đông các hộ gia đình và DN tham gia sản xuất, tạo công ăn việc làm cho những lao động phổ thông trên địa bàn, bình quân mỗi tháng cho thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống nhiều gia đình đã ổn định hơn, có thêm thu nhập để trang trải chi phí hàng ngày. Chị Kiều Thị Hà, thôn Vĩnh Lộc cho biết thêm, trước đây, gia đình chị sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi lợn, gà… thu nhập chẳng được là bao mà thời gian nông nhàn rất nhiều. "Từ khi làng nghề phát triển, đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài xã. Những người phụ nữ như tôi giờ đây cũng dễ dàng tìm được công việc phù hợp sức lao động của mình tại ĐCN - LN với mức thu nhập từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày" - chị Hà nói. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động Phó Bí thư đảng ủy xã Phùng Xá Nguyễn Tường Kha cho biết, toàn xã hiện có khoảng 134 công ty TNHH, DN tư nhân nhỏ và vừa với hơn 1.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở này đã giải quyết việc làm cho trên dưới 5.000 lao động trong và ngoài xã. Các mặt hàng mà làng nghề sản xuất rất đa dạng, từ những sản phẩm tiêu dùng như dây thép, cửa hoa, cửa xếp, bản lề, tôn ép đến các sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao như máy xẻ gỗ, máy đột dập, máy cán nóng, nồi hơi… được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì các DN hiện vẫn còn một số khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, mặt bằng sản xuất cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Để đáp ứng nhu cầu cần mở rộng mặt bằng sản xuất của các hộ gia đình và DN xã sẽ tiếp tục mở rộng ĐCN - LN thêm 7,4ha (lên thành 18,4ha). Hiện tại, Phùng Xá rất chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát huy và khai thác tiềm năng làng nghề truyền thống. Đặc biệt, xã luôn quan tâm tạo điều kiện cho các DN đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, uy tín làng nghề tạo sự cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm để thúc đẩy tiêu thụ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tiếp tục củng cố, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật làng nghề như đường giao thông, hệ thống điện, hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý nước, rác thải sinh hoạt và sản xuất đảm bảo vệ sinh môi trường. Phùng Xá còn phối hợp với các trường đào tạo nghề mở các lớp nâng cao tay nghề cho người lao động, cơ sở sản xuất và DN trên địa bàn để nâng cao chất lượng nguồn lao động. Từ đó, giúp cuộc sống của người dân ổn định hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở địa phương.
Một góc điểm công nghiệp làng nghề Phùng Xá, huyện Thạch Thất. |