Ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn thấp
Theo dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, mức doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) tăng lên 150 triệu đồng/năm. Quy định này đồng nghĩa với việc cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu bán hàng trên 150 triệu đồng/năm mới phải đóng thuế GTGT, tức tăng 50 triệu đồng so với quy định hiện hành.
Góp ý Dự thảo này của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến đề xuất cá nhân, hộ kinh doanh doanh thu trên 180-300 triệu đồng/ năm mới phải nộp thuế GTGT.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Việt Nam (VCCI) cho rằng, ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp. So sánh giữa cá nhân kinh doanh và cá nhân làm công ăn lương sẽ thấy sự bất hợp lý. Hiện nay, cá nhân làm công ăn lương có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc là 132 triệu đồng/năm, nếu có một người phụ thuộc là 184,8 triệu đồng/năm và nếu có 2 người phụ thuộc là 237,6 triệu đồng/năm.
Với giả định trung bình mỗi người lao động có một người phụ thuộc, thì ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với người làm công ăn lương hiện cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh. Đó là chưa kể, để có doanh thu, cá nhân kinh doanh sẽ phải mất các chi phí đầu vào, trong khi thu nhập cá nhân thì không có những chi phí này. “Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng mức doanh thu chịu thuế lên khoảng 180 - 200 triệu đồng mỗi năm đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Bên cạnh đó, ngưỡng tính thuế cần phân loại theo ngành nghề như ngành phân phối, cung cấp hàng hóa có ngưỡng cao hơn ngành dịch vụ, xây dựng” – VCCI kiến nghị.
Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, cần xem xét nâng ngưỡng chịu thuế lên cao hơn nữa để phù hợp với Luật thuế thu nhập cá nhân và mức chuẩn nghèo quy định tại Nghị định 07/2021. Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Tài chính, nếu doanh thu tương ứng với 150 triệu đồng/năm thì có giá trị tăng thêm (lợi nhuận tạm tính) là 15 triệu đồng, mức này thấp hơn so với mức cận nghèo vùng nông thôn là 18 triệu đồng/người/năm và thành thị là 24 triệu đồng/người/năm. “Quan điểm của tôi cần nâng lên mức đóng thuế là 180 triệu đồng đối với nông thôn, 240 triệu đồng ở thành thị. Bảo đảm khi tính thuế ở mức hộ cận nghèo không phải nộp thuế, phù hợp với chỉ tiêu cận nghèo của cả nước” – ông Nguyễn Văn Được đề xuất.
Chia sẻ thực tế kinh doanh, chị Nguyễn Thị Huế chủ cửa hàng phở tại phường Dương Nội, Hà Đông tính toán, với ngưỡng doanh thu 150 triệu đồng/năm, tương đương với 420.000 đồng/ngày mà phải đóng thuế thì không hợp lý. Bởi trung bình, cứ bán 10 bát phở doanh thu của cửa hàng đã là 450.000 đồng. “Chưa biết lỗ lãi thế nào, cứ bán 10 bát phở/ngày là tôi đã phải đóng thuế, trong khi mức doanh thu này chưa đủ chi phí mua nguyên liệu, thuê mặt bằng, nhân viên... Như vậy là đang không công bằng với hộ kinh doanh như chúng tôi” – chị Huế bộc bạch.
Khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu
Đại diện Bộ Tài chính lý giải, mức 150 triệu đồng đã căn cứ vào chỉ số lạm phát và tình hình thực tế. Việc tăng mức chịu thuế này không làm tăng chi phí tuân thủ, thủ tục hành chính với người nộp thuế và tạo minh bạch trong quản lý thuế. Khi nâng mức giảm thuế cao hơn sẽ ảnh hưởng tới số thu ngân sách Nhà nước tại địa phương, nhất là các địa phương có số thu thấp. Bộ Tài chính cũng nhìn nhận ngưỡng chịu thuế cao hơn sẽ không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp, khi đó doanh nghiệp phát sinh doanh thu phải nộp thuế GTGT.
Bộ Tài chính cân nhắc phân loại theo ngành nghề tương tự phương pháp tính thuế trực tiếp như ngành phân phối, cung cấp hàng hóa có ngưỡng cao hơn ngành dịch vụ, xây dựng… VCCI kiến nghị.
Đồng ý với lo ngại của cơ quan soạn thảo về ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách Nhà nước tại địa phương, nhưng chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được cho rằng, nếu có chính sách khoan sức dân, người dân được hưởng lợi sẽ rút ngắn phân hóa giàu nghèo. Hơn nữa, nếu tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp phát triển sẽ giúp họ có tăng nguồn thu, đóng thuế nhiều hơn.
“Các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu thực hiện cải cách các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực kế toán, thuế, tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa so với doanh nghiệp lớn. Chính sách thuế, thủ tục hành chính phải thuận lợi để các hộ kinh doanh thấy có lợi, có động lực mạnh dạn chuyển đổi lên thành doanh nghiệp” – ông Nguyễn Văn Được góp ý.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, phải nâng mức đóng thuế của cơ sở kinh doanh để họ có thêm động lực, lợi ích để tiêu thụ hàng hóa và tạo công ăn việc làm. Không thể đưa ra ngưỡng đóng thuế quá thấp so với thực tế. Về mặt chủ trương chính sách, khi thu hẹp đối tượng nộp thuế sẽ làm giảm thu ngân sách. Tuy nhiên, khu vực hộ kinh doanh đóng góp cho ngân sách chiếm tỷ trọng không cao trong tổng thu ngân sách nhà nước (khoảng 2%), trong khi số lượng hộ kinh doanh có doanh thu dưới 150 triệu đồng/năm không quá lớn, thì việc tác động đến thu ngân sách Nhà nước là không đáng kể. Mặt khác, khi thu hẹp đối tượng nộp thuế nhỏ lẻ sẽ làm đơn giản, gọn nhẹ mức độ quản lý. Bên cạnh đó, để quản lý thuế với cơ sở kinh doanh minh bạch, lành mạnh hóa hoạt động thu thuế cần có những giải pháp hợp lý.