Nghiên cứu của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) chỉ ra, diện tích bình quân hộ nông dân hiện chỉ ở mức dưới 0,5ha/hộ. Năng suất sử dụng đất cũng rất thấp, chỉ khoảng 1.000USD/ha, tương đương với Lào và chỉ bằng 1/2 Philippines, thậm chí là 1/3 của Indonesia và Thái Lan.
Đóng góp của đất đai cho tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng giảm. Số lượng DN nông nghiệp tăng nhưng vẫn chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng số DN cả nước. Đặc biệt trong đó, có trên 90% là DN nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ với từ 10 – 50 lao động. Doanh thu bình quân của các DN nông nghiệp chỉ đạt 3,6 tỷ đồng/năm.
Thu nhập từ nông nghiệp hiện còn thấp, bình quân chung cả nước hiện mới đạt khoảng 47 triệu đồng/người/năm. Điều này khiến nông dân có xu hướng giảm diện tích đất sử dụng, người dân không thiết tha với sản xuất nông nghiệp. Một thống kê chỉ ra tỷ lệ bỏ hoang đất nông nghiệp đã tăng từ 1,7% (năm 2014) lên 3,8% (năm 2016); đồng thời diện tích sử dụng đất bình quân hộ giảm 0,9% trong giai đoạn 2014 - 2016.
Để thúc đẩy tích tụ ruộng đất, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đưa ra khuyến nghị, cần bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; khuyến khích DN đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp – dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp thông qua việc thuê đất nông nghiệp hoặc liên kết với trang trại, hợp tác xã. Xây dựng cơ chế hỗ trợ tín dụng dài hạn cho trang trại, hợp tác xã mua, thuê đất nông nghiệp.
Bên canh đó, cần xây dựng các trung tâm hỗ trợ chuyển giao đất nông nghiệp để tạo thuận lợi cho quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất theo nhiều hình thức (chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, hợp tác kinh doanh…). Đồng thời, thiết lập hệ thống quản lý đất điện tử cung cấp thông tin số hoá về quyền sử dụng đất và giao dịch nhằm minh bạch thị trường đất nông nghiệp.