Kinhtedothi - Kiên trì giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, linh hoạt về sách lược, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu, triển khai đồng bộ, toàn diện, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, với phương châm "Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển" là bài học lớn và công cụ hiệu quả nâng tầm vị thế quốc tế của đất nước.
Từ chỗ bị bao vây cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 170 nước. Riêng năm 2013 đã nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược với Italia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Pháp; quan hệ Đối tác toàn diện với Mỹ và Đan Mạch. Nếu tính những quan hệ Đối tác đã thiết lập trước đó với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... thì Việt Nam đã thiết lập 13 Đối tác chiến lược và 11 Đối tác toàn diện, trong đó có 5 nước lớn là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã có quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa với trên 230 nước và vùng lãnh thổ; ký kết hơn 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế.
Bên cạnh việc gia tăng đại diện ở nước ngoài, với 65 đại sứ quán, 20 tổng lãnh sự quán, 4 phái đoàn thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế, 1 văn phòng kinh tế văn hóa, Việt Nam đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng phát triển châu Á, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới. Hiện nay, ngoài Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã ký 8 Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) và đang đàm phán 8 FTA khác… đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP)… Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tập trung các đối tác chiến lược quan trọng và các đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu của Việt Nam và hiện là khu vực giành viện trợ phát triển lớn nhất, chiếm tới 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu, và 75% tổng số khách du lịch quốc tế tới Việt Nam. Nhờ việc Việt Nam nỗ lực thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết và hoạt động trong khuôn khổ các tổ chức này; tiến hành nhiều cải cách theo hướng minh bạch, tự do hóa và mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, hiện 43 nước đã công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường.
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch cũng được đẩy mạnh hỗ trợ ngành, địa phương, doanh nghiệp tìm đối tác, mở rộng thị trường. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến và giảm dần hàng xuất khẩu thô. Tốc độ tăng xuất khẩu gần như liên tục đạt 2 con số. Quy mô xuất khẩu bình quân đầu người năm 1985 mới đạt 11,7 USD nhưng đến năm 2013, con số này là 1.450 USD (cao gấp gần 124 lần năm 1985). Tỷ lệ xuất khẩu so với GDP tăng khá nhanh: năm 1985 mới đạt 5%, năm 2013 đạt trên 75%, cao hơn tỷ lệ của Đông Nam Á, cao gấp ba lần tỷ lệ của châu Á và thế giới, đứng thứ 5 trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 cao gấp 186,1 lần năm 1985. Tính đến hết ngày 15/8/2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 178,35 tỷ USD, tăng 12,9% (tương ứng tăng hơn 20,37 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013. Hàng năm, Việt Nam đã có trên 20 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD và đứng thứ hạng cao trên thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy ảnh...
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lũy kế đến hết tháng 7/2014, cả nước có gần 17.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 240 tỷ USD (riêng 7 tháng đầu năm 2014, thu hút FDI đạt 9,53 tỷ USD), lượng vốn thực hiện khoảng 110 tỷ USD và trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam; trong đó có 16 nước và vùng lãnh thổ có vốn đăng ký (còn hiệu lực) đạt trên 1 tỷ USD (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nga, Đức, Pháp, Australia…). Tất cả 63 tỉnh, TP của cả nước đều có vốn FDI, trong đó có 27 tỉnh, TP có số vốn đăng ký đạt trên 1 tỷ USD. Khu vực FDI hiện đã chiếm trên 18% GDP và 46,3% giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế, 66,2% kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm trực tiếp cho trên 1,7 triệu lao động.
Tổng nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) từ năm 1993 đến nay đạt trên 78 tỷ USD vốn cam kết, trên 40 tỷ USD giải ngân. Việt Nam nằm trong top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới và tăng đều qua các năm, với trên 11 tỷ USD năm 2013.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trên 750 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, tại 23 nước và vùng lãnh thổ, cao nhất là Lào 3.672,5 triệu USD, tiếp đến là Campuchia 2.575,7 triệu USD, Peru 1.276,7 triệu USD...
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng tăng liên tục và năm 2013 đạt trên 7,3 triệu lượt người, đem lại doanh thu ngoại tệ 7,5 tỷ USD.
Trong thời gian tới, Việt Nam chủ trương phát triển cả bề rộng và bề sâu các mối quan hệ kinh tế đối ngoại, đặc biệt là với những nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, Đối tác Toàn diện; thúc đẩy thực hiện các Hiệp định, thỏa thuận đã ký, tăng cường đan xen lợi ích; vận động chính trị, ngoại giao phục vụ các cuộc đàm phán về TPP, RCEP… Điều này không chỉ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ đất nước…